Dù có sự sụt giảm nhẹ giá lúa gạo tại thị trường trong nước trong tuần qua nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang "neo" ở mức cao trong một năm mà bối cảnh các nhà giao dịch dự báo nhu cầu cuối vụ sẽ tăng lên, trong khi giá gạo từ các "vựa lúa" khác như Thái Lan, Ấn Độ không đổi do không có đơn đặt hàng mới.
Trong tuần qua, số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho thấy giá lúa và gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự giảm nhẹ.
Giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 6.600 đồng/kg, giá bình quân là 6.343 đồng/kg, giảm 71 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 8.050 đồng/kg, trung bình là 7.325 đồng/kg, giảm 217 đồng/kg.
Giá các mặt hàng gạo cũng có sự giảm nhẹ. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 10.500 đồng/kg, giá bình quân 10.350 đồng/kg, giảm 164 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.200 đồng/kg, giá bình quân 10.092 đồng/kg, giảm 167 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 10.000 đồng/kg, giá bình quân 9.675 đồng/kg, giảm 325 đồng/kg. Tuy nhiên, gạo xát trắng loại 1 lại tăng 113 đồng/kg, có giá trung bình là 10.475 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy tại Sóc Trăng, giá lúa cũng vẫn giữ ổn định như Đài Thơm 8 là 6.800 đồng/kg; OM 5451 là 6.800 đồng/kg, ST 24 là 8.000 đồng/kg.
Tại Cần Thơ, giá lúa có sự tăng giảm tùy loại như IR 50404 ở mức 6.000 đồng/kg;, tăng 200 đồng/kg; tương tự Jasmine là 7.100 đồng/kg, cũng tăng 200 đồng/kg. Riêng OM 4218 lại giảm 100 đồng/kg, còn 6.300 đồng/kg.
Giá lúa ở Tiền Giang hầu hết không đổi như IR 50404 là 6.800 đồng/kg; Jasmine vẫn ổn định ở mức 7.200 đồng/kg. Riêng OC ở mức 6.500 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, lúa OM 18 vẫn giữ 7.100 đồng/kg, IR 50404 là 6.500 đồng/kg, còn RVT là 8.300 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg so với tuần trước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá lúa tươi tại An Giang như Nàng hoa 9 đang được thương lái thu mua ở mức 6.800-7.000 đồng/kg, Đài Thơm 8 từ 6.700-6.800 đồng/kg, OM 18 từ 6.600-6.800 đồng/kg; IR 50404 ở mức từ 6.400-6.600 đồng/kg. Riêng lúa OM 5451 từ 6.500-6.700 đồng/kg.
Trước tình hình giá vật tư nông nghiệp cao trong khi năng suất lúa vụ Thu Đông thấp, vì vậy năm nay, nhiều hộ trồng lúa ở Trà Vinh đã bỏ vụ sản xuất lúa Thu Đông để xuống giống sớm vụ Đông Xuân.
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ Thu Đông 2022, Trà Vinh gieo trồng 73.500ha và đã xuống giống dứt điểm đầu tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, nông dân trong tỉnh chỉ xuống giống khoảng 65.000 ha, giảm hơn 8.000ha so với kế hoạch.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh ban hành lịch xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 và khuyến khích nông dân tuân thủ để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng mặn xâm nhập, khô hạn cuối vụ và sâu bệnh gây bất lợi sản xuất. Theo đó, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch gieo trồng 51.734ha.
Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước ở mức từ 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021.
Các thương nhân cho biết giá gạo có thể sẽ duy trì ở mức này hoặc thậm chí tăng nhẹ trong những tuần tới, vì nhu cầu thường cao hơn vào cuối năm, trong khi nguồn cung lương thực toàn cầu không ổn định liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Số liệu của chính phủ cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 10/2022 đã tăng 22,3% so với tháng trước lên 713.546 tấn, trong khi xuất khẩu gạo trong giai đoạn tháng 1-10/2022 tăng 17,4% so với cùng giai đoạn năm ngoái lên khoảng 6 triệu tấn, trị giá 2,95 tỷ USD.
Giá gạo Việt Nam "neo" ở mức cao trong một năm mà bối cảnh các nhà giao dịch dự báo nhu cầu cuối vụ sẽ tăng lên, trong khi giá gạo từ các "vựa lúa" khác không đổi do không có đơn đặt hàng mới.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 410 USD/tấn, so với mức 405-410 USD/tấn trong tuần trước. Giá không chênh lệch nhiều do nhu cầu hạn chế, tuy nhiên các thương nhân cho hay giá lương thực thiết yếu này có thể sẽ giảm khi có nguồn cung mới từ vụ thu hoạch sắp tới.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức từ 370-375 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại, nhưng các nhà xuất khẩu không thể giảm giá do rupee đang tăng giá trong vài ngày gần đây.
Lượng mưa lớn hồi đầu tháng đã làm hư hại cây lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính. Trong khi đó, lũ lụt nghiêm trọng đã phá hủy mùa màng ở nước láng giềng Bangladesh tại thời điểm nước này đang vật lộn để kiềm chế giá gạo trong nước tăng do nguồn cung thấp.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng của Bangladesh có thể giảm 1% so với năm 2021 xuống còn 35,6 triệu tấn trong niên vụ 2022-23 do lũ lụt.

Nguồn: Bích Hồng-Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)