Hợp đồng dầu cọ giao tháng 3/2024 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch sáng nay tăng 13 ringgit, tương đương 0,4% lên mức 3.669 ringgit (790,39 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá đã giảm 1,3% và đang trên đà suy yếu tuần thứ hai liên tiếp.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 0,1% và dầu cọ tăng 0,3%. Giá dầu đậu tương trên sàn Chicago cũng tăng 0,3%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, tồn kho dầu cọ của Malaysia cuối tháng 12/2023 có thể giảm hơn nữa mặc dù xuất khẩu chậm lại do sản lượng thấp. Các nhà phân tích dự báo, tồn kho dầu cọ sẽ giảm khi mùa lễ hội kết thúc.
Nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong tháng 12/2023 tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng do lượng mua dầu cọ tinh chế tăng khi giá cả cạnh tranh.
Thời tiết khô nóng ở Brazil, nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến nguồn cung. Tuy nhiên, mưa trong tuần qua đã hỗ trợ tâm lý phần nào. Cũng có nguồn cung cao hơn từ các nhà sản xuất Nam Mỹ khác như Argentina.
Dữ liệu kinh tế ảm đạm đã khiến giá giảm vào đầu phiên. Bên cạnh đó còn do nhu cầu nhiên liệu thấp trong khi nguồn cung xăng và sản phẩm chưng cất hàng tuần tăng mạnh làm lu mờ mức giảm dự trữ dầu thô cao hơn dự kiến. Giá dầu thô kỳ hạn suy yếu khiến dầu cọ trở thành lựa chọn ít hấp dẫn hơn cho nguyên liệu diesel sinh học.
Đồng ringgit của Malaysia giảm 0,2% so với đồng USD. Đồng ringgit suy yếu khiến dầu cọ trở nên phải chăng hơn đối với các khách mua nước ngoài.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters