Dự báo của giới phân tích, khủng hoảng giá cà phê sẽ còn kéo dài. Ông Jack Scoville của hãng Price Futures Group cho biết thêm, nhiệt độ đóng băng đã được báo cáo ở phần lớn hai vùng sản xuất lớn Minas Gerais và Parana và thậm chí cả Sao Paulo. Hiện vẫn chưa biết mức độ thiệt hại chính xác nhưng chắc chắn sẽ không hề nhỏ.
"Đây là thời gian ra hoa cho vụ thu hoạch tiếp theo nhưng hiện hoa cà phê đã bị đóng băng và sẽ rụng khỏi cây", ông Scoville cho biết thêm, mặc dù thời tiết đang ấm hơn.
Theo đó, giá cà phê arabica giao sau, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của quốc gia Nam Mỹ, đã tăng vọt trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu tuần trước, lên tới hơn 2 USD/pound, mức cao nhất kể từ năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường cà phê thế giới đã tăng vọt 60%, kể từ tháng Giêng.
Trong khi đó, cà phê robusta chất lượng thấp hơn, chủ yếu được trồng ở các nước châu Á cũng đã nhảy vọt lên mức cao nhất, tính từ tháng 10/2017 và đạt mức 1.993 USD/tấn, tức tăng gần 40% trong năm nay.
Chuyên gia phân tích Carlos Mera của ngân hàng Rabobank nói: “Có một số lý do giải thích cho mức tăng đột biến đối với giá cà phê, nhưng chủ yếu là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Brazil”. Ông Mera cũng cho rằng, chi phí vận chuyển tăng cao và tình trạng bất ổn chính trị ở nhà sản xuất cà phê lớn thứ ba thế giới- Colombia cũng là nguyên nhân quan trọng đẩy giá cà phê tăng vọt.
Theo AFP, Brazil đã hứng chịu một đợt hạn hán lịch sử vào đầu năm nay. Tiếp đến là các đợt sương giá gây hại trong tuần này tại các đồn điền sản xuất lớn ở Minas Gerais -nơi chiếm tới 70% sản lượng cà phê arabica của quốc gia Nam Mỹ.
“Nhiệt độ xuống mức dưới 0 độ C đã khiến cây rụng hết lá và thậm chí làm chết những cây non, vốn rất quan trọng cho các vụ thu hoạch gối trong tương lai. Ngoài ra giống cà phê arabica đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nó là cây lưu niên có chu kỳ hai năm nên sản lượng vênh nhau rõ rệt”, theo ông Mera.
Nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới đang có xu hướng tăng lên trong năm nay khi các nền kinh tế lớn trên thế giới bắt đầu mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 chết chóc. Điều này đã kích thích nhu cầu cà phê arabica thường được sử dụng trong các quán cà phê và nhà hàng, trái ngược hẳn với robusta cấp thấp hơn thường được ưa chuộng để làm cà phê hòa tan.
Theo nhà kinh tế hàng hóa Philippe Chalmin, giá cà phê đã xuống thấp trong những năm gần đây, kể từ sau khi đạt ngưỡng hơn 3 USD/pound arabica hồi tháng 5/2011.
"Các nhà sản xuất cà phê trên thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng giá rất dài khiến hầu hết đều thua lỗ", Valeria Rodriguez, tại Hiệp hội thương mại công bằng Max Havelaar, nói với AFP.
Giá cà phê arabica tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014. Ảnh: Phys.org
Max Havelaar cảnh báo: “Nếu niên vụ này thất bát, đồng nghĩa là nhiều nhà sản xuất ở Brazil sẽ không có cà phê để bán và do đó không có thu nhập”.
Trong khi đó, ông Mera, giá cả tăng cao cũng sẽ đẩy giá đến người tiêu dùng. “Các nhà rang xay sử dụng thị trường kỳ hạn để tự vệ, chống lại các đợt tăng giá ngắn hạn, vì vậy thường phải mất từ 3 đến 9 tháng để thấy được những tác động ở cấp độ bán lẻ”, vị này cho hay.
Ông Rodriguez cho biết: “Cà phê rang xay hiện được bán trung bình với giá 15 euro/kg, trong khi cà phê Pods (được rang xay mịn, sau đó được nén lại thành các viên bằng nhựa có kích thước nhỏ. Loại cà phê này được sản xuất để dành riêng cho những chiếc máy pha cà phê cao cấp, giúp người dùng có thể tận hưởng những ly Cappuchino hay Epresso thơm ngon đúng gu) có giá 45 euro/kg, hoặc thậm chí cao hơn. Điều này khác xa so với giá cà phê arabica hiện tại, chưa tới 4 euro/kg.
Tại Pháp, giá cà phê bán trong siêu thị rất ít thay đổi trong những tháng gần đây và vẫn gần với giá tham chiếu của năm 2015, theo dữ liệu được chia sẻ bởi cơ quan thống kê quốc gia.
Theo các chuyên gia, giá cà phê tăng hiện nay cũng là một phần trong bối cảnh lạm phát giá nguyên liệu thô, dù là nông sản hay công nghiệp - với đồng và thiếc đều phá vỡ kỷ lục trong những tuần gần đây.