Ông William Mauldin – phóng viên báo Wall Street Journal cho rằng, Mỹ cáo buộc Nga đang cố gây bất ổn cho Ukraine, còn Nga đã chỉ trích Mỹ gây lo ngại và căng thẳng khi hai bên tranh chấp trong một cuộc tranh luận gay gắt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Các đại sứ từ Mỹ, Ukraine và các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã đặt câu hỏi về động cơ của Nga, việc xây dựng quân đội và những mối đe dọa đối với an ninh của Ukraine và châu Âu, trong cuộc họp Hội đồng Bảo an hôm 31/1/2022.
Ông Mauldin cho rằng, ngoài Liên hợp quốc, một loạt các nhà lãnh đạo nước ngoài - bao gồm cả thủ tướng Anh, Hà Lan và Ba Lan, và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - sẽ đến thăm Ukraine trong tuần đầu tháng 2/2022 để cố gắng ngăn chặn Nga tấn công và dòm ngó Ukraine.
Mối đe dọa chiến tranh giữa Nga và Ukraine đang làm xáo trộn thị trường ngũ cốc quốc tế, khiến giá lúa mì ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương tăng cao.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hai quốc gia này chiếm 29% trong tổng lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Biển Đen đóng vai trò là đường vận chuyển chính cho xuất khẩu ngũ cốc thế giới và Ukraine cũng nằm trong số các nước xuất khẩu lúa mạch, ngô và hạt cải dầu hàng đầu thế giới.
Căng thẳng gia tăng và quân sự hóa gia tăng dọc theo biên giới Nga-Ukraine đã đẩy giá lúa mì giao sau tại Chicago tăng hơn 7% trong hai tuần qua lên gần 8 USD/busel vào ngày 31/1/2022, thấp hơn mức kỷ lục trong gần một thập kỷ qua là 8,50 USD/ busel đạt được năm 2021. Giá lúa mì kỳ hạn của châu Âu được giao dịch tại Paris, đã tăng gần 6% so với cùng kỳ lên 278 Euro/busel, tương đương 310 USD/tấn và gần bằng mức cao nhất của năm 2021.
Một số nhà phân tích lo ngại việc xung đột giữa Nga và Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm hạn chế xuất khẩu của Nga sẽ là tình huống xấu nhất và có thể làm mất thị phần về nguồn cung lúa mì của cả hai quốc gia lớn này.
Ông Andrey Sizov, giám đốc điều hành của SovEcon, công ty nghiên cứu ngũ cốc của Nga ở Biển Đen cho rằng, ngay cả khi cuộc xung đột diễn ra xa biên giới Ukraine-Nga và chỉ gây ra thiệt hại nhỏ cho cơ sở hạ tầng nông nghiệp của Ukraine thì cũng có thể khiến giá tăng từ 10% đến 20%.
Trong khi đó, nhà báo Anthony Faiola của tờ Washington Post cho rằng, trong trường hợp xấu nhất, ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine - một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới - có thể lan rộng trên toàn cầu, khiến giá ngũ cốc vốn đã tăng vọt, lại thêm nguy cơ bất ổn xã hội bên ngoài Đông Âu.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2020, Ukraine xuất khẩu hơn 8 triệu tấn ngô sang Trung Quốc, chiếm hơn 25% trong tổng lượng ngô xuất khẩu của Ukraine.

Nguồn: Vinanet/VITIC/farmpolicynews.illinois.edu