Mốc tăng trưởng khá ấn tượng
Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 13,1 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Riêng trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 9,5 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 9,62%. Đây là quý đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tăng trưởng trở lại sau 4 quý liên tiếp tăng trưởng âm trong năm 2023, bao gồm cả sợi và hàng dệt may. Xuất khẩu dệt may Việt Nam hiện đang đứng thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Bangladesh.
Chia sẻ tại hội thảo định hướng sản xuất hàng may mặc do Vitas phối hợp với Công ty TNHH Lectra Việt Nam tổ chức vào trung tuần tháng 5/2024, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký, Trưởng Văn phòng đại diện VITAS tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành dệt may Việt Nam sở dĩ có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát khiến sức mua tăng lên. Các kho hàng tồn dư của các nhãn hàng đã giảm đi, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua VITAS để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng.
“Kết quả đạt được về xuất khẩu của ngành dệt may trong quý I/2024 được ghi nhận tích cực, là khởi đầu tốt cho ngành tăng tốc trong quý II/2024 để đạt và vượt mốc 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay” - bà Mai thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh triển vọng, các doanh nghiệp dệt may cũng phải đối mặt với thách thức mới và đang phải chịu áp lực cạnh tranh vô cùng lớn. Đó là giá đơn hàng không tăng, trong khi chi phí logistics, cụ thể là chi phí vận tải biển đã tăng liên tục trong thời gian qua. Điều này dẫn tới việc khách hàng yêu cầu doanh nghiệp Việt phải chia sẻ một phần chi phí vận chuyển, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số mang tính chiến lược
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ngành dệt may là một trong những ngành góp phần quan trọng trong xuất khẩu của Việt Nam. Thách thức không thể không kể đến chính là quá trình chuyển đổi số và hướng đến sản xuất thông minh. Đây là xu hướng tất yếu nên các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để thích ứng, bằng việc dần chuyển đổi sang sản xuất tự động hóa, sản xuất thông minh làm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí vận hành từ đó làm tăng lợi thế cạnh tranh.
“Đến nay, việc đưa công nghệ số vào áp dụng trong ngành dệt may vẫn còn khiêm tốn. Do đó, việc kết nối những nhà cung cấp có thế mạnh phát triển công nghệ, chuyên cung ứng giải pháp phần mềm đặc thù riêng cho ngành dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam” - bà Mai cho biết.
Ở góc độ nhà cung cấp ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số ngành dệt may, ông Jatin Paul - Giám đốc điều hành Công ty WFX chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp dệt may đang phổ biến sử dụng nhiều phần mềm riêng lẻ, nhưng giải pháp của WFX lại tích hợp toàn diện và có thể tích hợp với những phần mềm sẵn có tại doanh nghiệp dệt may.
Theo đó, điểm nổi bật của giải pháp chuyển đổi số của WFX là ứng dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây và đảm bảo hoạt động 24/7. Chuyển đổi số hóa toàn diện trong chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra, gồm: hoạt động sản xuất từ sợi đến may mặc thành phẩm; phát triển sản phẩm, quản lý chuyền may, chất lượng, bán hàng, xuất nhập khẩu, tồn kho…
Hơn thế nữa, giải pháp chuyển đổi số của WFX giúp doanh nghiệp quản lý tài nguyên trong ngành, số liệu khảo sát thị trường, phòng trưng bày ảo… tạo điều kiện cho khách hàng truy cập thông tin. Ngược lại, giải pháp này hỗ trợ phân tích số liệu của cả chuỗi giá trị, thông tin khách hàng, xu hướng người mua… để doanh nghiệp có cơ sở dữ liệu hoạch định và điều chỉnh chiến lược phù hợp thị hiếu tiêu dùng./.

Nguồn: Gia Cư/Thời báo Tài chính Việt Nam