Thị trường gạo châu Á
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trong tuần này nhờ các tuyến giao thương với Trung Quốc mở lại, cùng với một số thương nhân cho rằng nhiều người có nhu cầu tìm kiếm nguồn hàng thay thế do cuộc khủng hoảng Ukraine.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 400 USD/tấn trong phiên 3/3, so với mức 395-400 USD/tấn trong tuần trước đó.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 400 USD/tấn trong phiên 3/3, so với mức 395-400 USD/tấn trong tuần trước đó. 
Một nhà giao dịch tại TP HCM cho hay các chuyến hàng sang Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên do nước này đang mở cửa biên giới với Việt Nam sau khi dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Thương nhân này cho biết thêm cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine có thể thúc đẩy một số khách hàng nhập khẩu nhiều gạo từ châu Á hơn, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó một thương nhân tại Bangkok cho hay tình hình ở Ukraine có thể khiến chi phí vận chuyển tăng nhẹ.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng nhẹ lên 400-403 USD/tấn so với mức 400 USD/tấn trong tuần trước, cũng một phần do sự biến động trên thị trường tiền tệ khi đồng baht được giao dịch ở mức 32,60 baht/USD phiên 3/3.
Tuy nhiên, một thương nhân khác cho biết cuộc khủng hoảng không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Thái Lan vì cả Nga và Ukraine đều không nằm trong số các đối tác thương mại chính của họ.
Quân đội Ukraine gần đây đã ngừng vận chuyển thương mại tại các cảng của nước này, làm đe dọa đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu.
Nhu cầu gạo từ nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã cải thiện, song giá gạo đồ 5% tấm của nước này không đổi ở mức 370-376 USD/tấn do đồng rupee suy yếu.
Một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, Andhra Pradesh cho biết nhu cầu gạo tấm đã được cải thiện do giá ngô đang tăng. Một số người mua đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho ngô. Nông dân Ấn Độ có thể thu hoạch kỷ lục 127,93 triệu tấn so với 124,37 triệu tấn của năm trước.
Trong khi đó, giá gạo trong nước của Bangladesh vẫn ở mức cao, dù cho lượng dự trữ tốt.
Chi phí vận chuyển đã tăng nhẹ do cuộc khủng hoảng Ukriane, khiến chi phí nhập khẩu ngũ cốc lớn hơn.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản tại sàn giao dịch Chicago (Mỹ) tăng giảm trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 4/3, trong đó giá ngô và lúa mỳ tăng, còn giá đậu tương giảm.
Cụ thể, chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2022 tăng 6,5 xu Mỹ (0,87%) lên 7,5425 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 7/2022 tăng 59 xu Mỹ (5,29%) lên 11,7525 USD/bushel. Trong khi đó, giá đậu tương giao tháng 5/2022 mất 7,25 xu Mỹ (0,43%) xuống 16,605 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu hàng hóa AgResource tại Chicago nhận thấy xu hướng tăng giá sẽ còn kéo dài trong dài hạn, song vẫn cần thận trọng do thị trường biến động mạnh, mức độ biến động quyền chọn cao và yêu cầu ký quỹ ngày càng tăng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo khoảng 106.000 tấn đậu tương đã được bán sang Trung Quốc, 108.860 tấn bán sang Mexico và 125.000 tấn đến một điểm đến không xác định. Toàn số số lượng hàng bán ra đều từ niên vụ 2021-2022.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều hồi phục. Giá cà phê Robusta giao ngay tháng 5/2022 tăng 25 USD, lên 2.038 USD/tấn, còn giao tháng 7/2022 tăng 22 USD, lên 2.013 USD/tấn. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng hồi phục. Giá cà phê Arabica giao ngay tháng 5/2022 tăng 1,35 xu Mỹ, lên 224,25 xu Mỹ/lb, còn giao tháng 7/2022 tăng 1,35 xu Mỹ, lên 223 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 400-500 đồng, lên dao động trong khung 38.400 – 39.000 đồng/kg.
Giá cà phê trên cả hai sàn kỳ hạn thế giới vừa có phiên hồi phục cuối tuần như đã dự đoán cùng với các sàn hàng hóa nông sản nói chung. Trong khi giá vàng, giá dầu thô tiếp nối đà tăng nóng và chứng khoán Mỹ tiếp tục sụt giảm do lo ngại về cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine chưa hề dịu bớt, cho dù đã có những vòng đàm phán đã diễn ra.
Chính phủ Brazil đã báo cáo xuất khẩu cà phê nhân trong tháng 2/2022 tăng 290.200 bao, tăng 9,11% so với cùng kỳ năm 2021, lên đạt 3.475.183 bao.
Theo giới quan sát, số lượng cà phê nhân xuất khẩu trong tháng 2/2022 là kết quả của vụ mùa năm 2021 cho sản lượng thấp theo chu kỳ “hai năm một” của Brazil và xuất khẩu tăng là do giá cả tại thị trường nội địa được cải thiện rất đáng kể.
Trong khi đó, Liên đoàn Cà phê Quốc gia (FNC) ở Colombia báo cáo xuất khẩu cà phê trong tháng 2/2022 đã giảm 295.000 bao, tức giảm 23,14% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ đạt 928.000 bao, đưa tổng khối lượng xuất khẩu lũy kế trong 5 tháng đầu niên vụ cà phê hiện tại 2021/2022 đạt tổng cộng 5.341.000 bao, giảm 627.000 bao, giảm 10,51% so với cùng kỳ niên vụ trước

Nguồn: bnews.vn