Nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam, ngày 10/11, Báo Người Lao Động phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên - một trong số ít tỉnh có diện tích mía lớn trong cả nước, đã tổ chức hội thảo với chủ đề "Để mía không đắng". Thứ trưởng Bộ Công Thương tham dự và phát biểu tại Hội nghị theo hình thức trực tuyến.

Thực trạng phát triển mía đường
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Phú Yên và kết nối trực tuyến với các điểm cầu, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương, đại diện Bộ NN-PTNT, Viện Nghiên cứu Mía đường, Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cùng lãnh đạo các Sở NN-PTNT Phú Yên, Khánh Hòa, Long An, Hậu Giang và các nông dân tiêu biểu trong nghề trồng mía ở Phú Yên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay, Phú Yên là vùng nguyên liệu trồng mía lớn của cả nước với 29.000 ha và 20.000 hộ trồng. Ngành trồng mía đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh nhưng ngày vui không được kéo dài khi giá mía đường thấp khiến hiệu quả của cây mía không được như như xưa. Chủ tịch tỉnh Phú Yên cũng nêu những vấn đề còn tồn tại như: vùng nguyên liệu chưa được tập trung bài bản, vấn đề tưới tiêu, giống... khiến ngành mía "không còn ngọt".
Theo TS. Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường, việc Việt Nam gặp tác động kép của biến đổi khí hậu, miền Tây hạn mặn, miền Trung khô cạn khiến diện tích mía 3 niên vụ giảm liên tiếp, từ hơn 190.000 ha niên vụ 2018-2019 còn gần 129.000 ha niên vụ 2020-2021; Số lượng nhà máy sản xuất đường chỉ còn 24 nhà máy (riêng tại Nam Trung Bộ, số lượng nhà máy giảm từ 9 xuống còn 6 nhà máy).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cùng đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại tham dự hội thảo trực tuyến từ đầu cầu Hà Nội
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, ngành đường Việt Nam đã hoàn thành niên vụ mía 2020-2021. Toàn ngành đã ép được 6.739.417 tấn mía, đạt sản lượng 689.830 tấn đường, thấp hơn niên vụ 2019/2020. Trong niên vụ 2020/2021, mặc dù giá mía nguyên liệu có tăng khoảng từ 150.000 đến 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng vẫn là năm khó khăn chung của ngành mía đường nước ta.
Cũng theo Bộ Công Thương, giá đường trong nước đã và đang tăng giá, dần tiếp cận với giá đường các nước trong khu vực. Theo thông tin mới nhất từ một số doanh nghiệp lớn, giá đường trắng nhập khẩu tại cảng Hải Phòng dao động từ 18.300 - 18.500 đồng/kg, tại miền Nam là 18.700 - 18.900 đồng/kg; giá lẻ tại các nhà máy: đường trắng 19.000 - 19.100 đồng/kg, đường tinh luyện 19.500 - 19.600 đồng/kg.
Đồng hành với người dân, doanh nghiệp
Về vai trò của cơ quam quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, đại diện Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, các cơ quan quản lý luôn xác định đồng hành với ngành mía và bà con nông dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, trong suốt 25 năm qua, Bộ Công Thương đã chủ động hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp và người nông dân với mục tiêu cao nhất là phải tiêu thụ hết mía cho nông dân, bảo đảm vụ mùa có lời. “Chúng tôi đã và sẽ làm tất cả những gì trong phạm vi pháp luật cho phép để hỗ trợ cho ngành mía đường Việt Nam” - Thứ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời Thứ trưởng cũng cho biết, quan điểm của Bộ Công Thương là lập lại trật tự kinh doanh công bằng trên thị trường mía đường với 4 nhóm lợi ích hợp pháp: Thứ nhất là lợi ích của người dân trồng mía; Thứ hai là lợi ích của các nhà máy đường; Thứ ba là lợi ích của hàng vạn cơ sở sản xuất thực phẩm và thực phẩm chế biến đang sử dụng đường; Thứ tư là lợi ích của hơn 90 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đã cùng Bộ Công Thương chủ động giúp, đồng hành với bà con trồng mía. Bộ Công Thương đã rất chủ động và áp dụng hiệu quả các biện pháp chống bán phá giá, tạo được chuyển biến tích cực trên thị trường.
“Với 25 năm phát triển, ngành mía đường đã đạt nhiều thành tựu, đặc biệt hoàn thiện thể chế ngành, có nhiều chiến lược, đề án tương thích với hội nhập kinh tế thế giới. Mục tiêu cuối cùng, cao cả nhất trong xây dựng ngành mía đường chính là người nông dân và lợi ích của người nông dân. Đó là trách nhiệm xuyên suốt của chúng ta để ngành đường phát triển bền vững” - ông Toản nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các biện pháp mà Bộ Công Thương liên tiếp triển khai trong thời gian qua đã góp phần ngăn chặn được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong ngành mía đường (thể hiện qua số liệu nhập khẩu trong các tháng vừa qua) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành nhập khẩu mặt hàng đường, góp phần bảo hộ ngành mía đường trong nước.
TS. Cao Anh Đương - Quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường cho biết, Bộ Công Thương đã dành rất nhiều sự quan tâm cho ngành mía đường, đặc biệt là việc ban hành Quyết định 477/QĐ-BCT áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan; Sau đó, vào ngày 15/6/2021, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Thái Lan. Những hành động quyết liệt này đã giúp ngành mía đường hồi phục, giá mía giai đoạn cuối vụ tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Đại diện Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng bày tỏ, quyết định chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái Lan của Bộ Công Thương chính là “phao cứu sinh” cho hàng ngàn hộ nông dân trồng mía. Việc này giúp vụ ép mía năm nay sôi động, giá mía nguyên liệu cao nhất lên đến 1,4 triệu/tấn. Theo đó, nông dân trồng mía có lãi, cạnh tranh được với cây trồng khác, ngành đường có thể đạt mục tiêu 2 triệu tấn/năm.
Ông Võ Văn Út - nông dân trồng mía tại Phú Yên cũng cho biết, việc Bộ Công Thương ban hành biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường từ Thái Lan khiến nông dân yên tâm sản xuất. "Nông dân chúng tôi hiện nay sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đường ASEAN. Chúng tôi tiếp cận nông nghiệp 4.0 qua điện thoại thông minh, máy tính" - ông Út nhấn mạnh.
Giải pháp cho ngành mía đường
Về giải pháp phục hồi và phát triển ngành mía đường, TS. Cao Anh Đương cho rằng, cần tập trung khâu trồng mới đúng kỹ thuật, cơ giới hóa trong canh tác mía để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả trồng mía. Thêm vào đó, cần phải chăm sóc kịp thời, đúng yêu cầu kỹ thuật về mật độ trồng, làm cỏ - một khâu tốn rất nhiều chi phí nên nếu làm không đúng sẽ thiệt hại về tiền mà lại không hiệu quả, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, chống chịu hạn.
Dưới góc độ của doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, cần giải quyết đồng bộ, căn cơ từ bài toán nguyên liệu đầu vào đến phát triển sản phẩm đồng hành bổ sung cho sản phẩm đường. Để làm được điều đó, doanh nghiệp phải tích lũy, đầu tư và chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, cần giải quyết tốt bài toán thị trường, làm thương hiệu. Xây dựng kênh phân phối toàn diện từ sản xuất đến tiêu dùng, bán lẻ để tiết giảm khâu trung gian, chi phí cho người trồng mía, doanh nghiệp. Đồng thời, tìm hiểu cơ hội tiềm năng của thị trường xuất khẩu, ví dụ như xuất khẩu đường hữu cơ, đường phèn, ông Ngữ cho biết thêm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Đưa ra các giải pháp để phát triển ngành mía đường trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, phải cân đối được quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu thiên về một nhóm lợi ích, chính sách sẽ thất bại.
Thứ trưởng đề nghị tách bạch ngành mía với ngành đường, không đánh đồng vì bản chất hai ngành khác nhau, không nhất thiết phụ thuộc lẫn nhau. Ngành đường cần phải đồng hành với nông dân, doanh nghiệp cần đưa ra giá mua hợp lý cho người nông dân vì bình quân giá thu mua 1 triệu đường/tấn hiện nay chưa phải là cao. Người nông dân cũng phải nắm được giá đường để có căn cứ đàm phán giá với doanh nghiệp.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhìn nhận, đường nhập lậu góp phần làm cho ngành đường gặp khó, hội nhập cũng khiến ngành đường vào thế cạnh tranh cao. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ chính thức mở cửa thị trường đường từ ngày 1/1/2020, trong khi đó, các ý kiến phân tích đều cho thấy ngành mía đường gặp khó từ những giai đoạn trước đó. Và rất nhiều yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả của ngành đường. Vì vậy, ngành đường cần phải trung thực với chính mình. Phải nhìn nhận đúng để Nhà nước ra chính sách đúng đắn cho ngành đường, nếu không sẽ thiết kế sai chính sách. “Nhà nước đã và sẽ hết sức mình để tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng thông qua các loại thuế phòng vệ thương mại để hỗ trợ cho ngành đường phát triển. Giờ là lúc chúng ta cần quay lại để hoàn thiện bản thân mình” - Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Tác giả: Nguyễn Hường

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương