Basmati là loại gạo cao cấp, chất lượng hảo hạng, có mùi thơm đặc biệt. Ấn Độ và Pakistan là những nhà sản xuất và xuất khẩu Basmati lớn nhất, trong đó Ấn Độ chiếm gần 90% lượng Basmati xuất khẩu trên toàn cầu.

Trung Đông là thị trường tiêu thụ gạo Basmati hàng đầu thế giới, trong đó những thị trường lớn nhất là Saudi Arabia, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iraq.

Trong khi Trung Đông giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn nhất trong khu vực, thì xuất khẩu loại gạo này sang phương Tây đang tăng nhanh, bao gồm các thị trường Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Canada và Mỹ. Thực tế này nằm trong xu hướng chung là tiêu thụ gạo chất lượng cao, thơm ngon, như Basmati, Jasmine… đang ngày càng phổ biến với người tiêu dùng phương Tây, trong bối cảnh sở thích về khẩu vị có sự thay đổi.
Ấn Độ hiện đang ‘thống trị’ trên thị trường xuất khẩu gạo Basmati toàn cầu, với gần 5 triệu tấn xuất khẩu trong năm 2020.
Trong những năm gần đây, Iran là khách hàng lớn nhất tiêu thụ gạo Basmati của Ấn Độ. Tuy nhiên, trong năm 2020, nhập khẩu của Iran đã giảm hơn 20% so với năm trước do giá dầu giảm kéo theo thu nhập giảm, và các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt gây khó khăn cho việc thanh toán.
Bất chấp việc mất đi khách hàng số 1, xuất khẩu gạo Basmati của Ấn Độ vẫn tốt nhờ xuất khẩu mạnh sang những thị trường khác như Saudi Arabia, Iraq và Yemen. Ngoài ra, Ấn Độ cũng mở rộng xuất khẩu gạo Basmati sang các thị trường nhỏ hơn như Mỹ và Canada (tăng khoảng 30%), Vương quốc Anh (tăng gần 50%) và EU (tăng khoảng 70%).
Pakistan là nhà sản xuất gạo Basmati quan trọng khác. Trong khi nhu cầu trên toàn cầu đang tăng lên đối với mặt hàng cao cấp này, người Pakistan vẫn thích gạo Basmati hơn các loại gạo khác nên và phần lớn sản lượng của Pakistan được tiêu thụ ngay tại thị trường nội địa.
Theo dữ liệu của Chính phủ Pakistan, các thị trường xuất khẩu gạo Basmati hàng đầu của nước này là UAE, EU và Saudi Arabia.

Xuất khẩu gạo basmati của Pakistan phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Ấn Độ, quốc gia có nguồn cung dồi dào, giá cả cạnh tranh và gần đây có sự đầu tư chho các hoạt động tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Mặc dù Ấn Độ duy trì những lợi thế này trên thị trường thế giới, nhưng Pakistan gần đây cũng đã mở rộng được thị phần ở EU. Nước này đạt được thị phần lớn trên thị trường EU năm 2018 một phần là nhờ những quy định mới của EU về giảm tối đa dư lượng (MRL) đối với tricyclazole, một loại thuốc diệt nấm- mà Ấn Độ sử dụng rộng rãi vào thời điểm đó, trong khi Pakistan không sử dụng.

Sau khi Pakistan giành được thị phần từ Ấn Độ (khi quy định về MRL có hiệu lực), Ấn Độ đã bắt đầu điều chỉnh các quy định mới về dư lượng tricyclazole, và đến năm 2020 đã giành lại phần lớn thị phần ở EU. 

Ngoài ra, năm 2020 Ấn Độ đã kiến nghị với EU về một Chỉ dẫn Địa lý (GI) cho gạo Basmati, tuyên bố rằng các thuộc tính và hương vị thơm của gạo gắn trực tiếp với địa lý địa phương nơi sản xuất.

Cuối năm 2020, Pakistan đã đệ đơn phản đối khi tuyên bố rằng họ có chung những điều kiện trồng trọt độc đáo này. Trong lịch sử, nguồn gốc của gạo basmati đã từng là chủ đề tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan. Gạo basmati được sản xuất tại vùng Punjab, nơi bị chia cắt giữa hai nước vào năm 1947. Ấn Độ và Pakistan có thể nộp đơn xin sở hữu GI chung đối với gạo Basmati, nhưng hai bên chưa làm điều này.

Nguồn: VITIC / USDA