Vào lúc 9h18 ngày 12/5/2020 (giờ Việt Nam), giá đậu tương tại Mỹ giảm do các nhà đầu tư chờ xem báo cáo của chính phủ Mỹ, song mức giảm được hạn chế bởi tốc độ trồng trọt tại Bắc Mỹ chậm hơn so với dự kiến.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Chicago giảm 0,3% xuống 8,53-3/4 USD/bushel, đóng cửa phiên trước đó tăng 0,5% lên 8,61-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ ngày 13/4/2020.
Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Chicago tăng 0,1% lên 3,18-3/4 USD/bushel, đóng cửa phiên trước đó giảm 0,2%.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2020 trên sàn Chicago giảm 0,6% xuống 5,16-1/4 USD/bushel, trong phiên có lúc chạm 5,13 USD/bushel, thấp nhất kể từ ngày 6/5/2020. Giá lúa mì đóng cửa phiên trước đó giảm 0,9%.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, nước này đã gieo trồng 67% diện tích trồng ngô, cao hơn mức trung bình 5 năm (56%), song thấp hơn ước tính trung bình của các nhà phân tích. Diện tích trồng đậu tương đạt 38%, cao hơn mức trung bình 5 năm (23%), song thấp hơn ước tính trung bình (42%) của các nhà phân tích.
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã mua ít nhất 4 lô hàng tương đương 240.000 tấn đậu tương Mỹ.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất 2 tuần so với các đồng tiền chủ chốt, được thúc đẩy bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng và nhu cầu tài sản trú ẩn an toàn tăng, trong bối cảnh gia tăng lo ngại về làn sóng virus corona thứ 2, khiến các đồng tiền rủi ro hơn giảm.
Giá dầu tăng trong đầu phiên giao dịch được thúc đẩy bởi một cam kết bất ngờ từ Saudi Arabia sẽ cắt giảm sâu sản lượng trong tháng 6/2020, giúp giảm bớt dư cung dầu thô trên thị trường toàn cầu do đại dịch khiến nhu cầu nhiên liệu suy giảm.
Chỉ số S&P 500 đóng cửa tăng khiêm tốn khi các nhà đầu tư cân nhắc giữa làn sóng nhiễm virus corona mới với dự kiến nền kinh tế được phục hồi bởi việc đóng cửa sẽ sớm được nới lỏng cho các doanh nghiệp.

Nguồn: VITIC/Reuters