Theo một số đại lý, lượng cà phê giao về kho thời điểm này cũng đang chậm lại do nguồn cung trong dân gần cạn, khiến giá bật lên nhẹ. Trong hơn hai năm qua, giá cà phê tăng mạnh nên nhiều hộ đẩy mạnh việc tái canh, nhiều diện tích mới trồng sẽ bắt đầu cho thu hoạch trong một vài năm tới, khiến nguồn cung tăng lên. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo, giá sẽ không giảm sâu như thời kỳ khủng hoảng giá trước đây, khoảng 30.000 - 40.000 đồng, bởi những yếu tố đầu vào hiện nay đã khác, giá cả đầu vào cũng đã khác.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng mạnh nhờ giá trị đơn hàng lớn từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Thành công này đến từ việc đẩy mạnh xuất khẩu các dòng cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và cà phê hoà tan, những phân khúc có giá trị tăng cao.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá robusta LRCc2 trên sàn London tăng 40 USD, tương đương 1,1% lên mức 3.660 USD/tấn. Giá arabica KCc2 trên sàn New York có diễn biến ngược lại với đà giảm tiếp 8,15 cent, tương đương 2,72% xuống ở 291,95 US cent/lb. Đồng USD liên tục giảm giúp cà phê sàn London tăng, trong khi áp lực nguồn cung quá lớn từ Brazil không thể giúp arabica phục hồi.
Theo nhận định của chuyên gia, giá cà phê trong ngắn hạn vẫn trong xu hướng giảm, do lượng mưa dồi dào tại Brazil đã xoa dịu lo ngại về tình trạng khô hạn, đồng thời mang lại tín hiệu tích cực cho mùa vụ cà phê của nguồn cà phê hàng đầu thế giới này. Công ty tư vấn Safras & Mercado ước tính rằng tính đến cuối tháng 6 vừa qua, gần 51% sản lượng cà phê vụ mới của Brazil đã được thu hoạch.