Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong tháng 11/2021 xuất khẩu tôm của cả nước tăng 16% đạt trên 366 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh, như: Mỹ tăng 24%; Hàn Quốc tăng 19% và tăng đột phá nhất là thị trường EU, tăng 86%.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2021, xuất khẩu tôm của cả nước đạt 3,55 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu tôm sang EU, tăng 16% đạt 548 triệu USD và chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. 3 nước nhập khẩu tôm lớn nhất là Hà Lan, Đức và Bỉ chiếm 69% xuất khẩu tôm Việt Nam vào EU.
Riêng trong tháng 11, xuất khẩu tôm sang EU đạt 66,5 triệu USD, tăng 86,4%, trong đó, xuất khẩu hầu hết sang các nước thành viên đều tăng đột phá, như: Hà Lan tăng 47%, Đức tăng 87% và xuất khẩu sang Bỉ tăng 118%.
Ngoài ra, xuất khẩu tôm sang một số thị trường khác trong khối cũng có mức tăng đột biến, như: Pháp tăng 161%, Đan Mạch tăng 99%, Thụy Điển tăng 196%, Italy tăng 123%...
Tôm Việt Nam được nhập khẩu vào châu Âu qua gần 80 cảng ở các nước. Trong đó, nhập khẩu qua cảng Rotterdam, Hà Lan chiếm tỷ trọng cao nhất gần 23%, tiếp đến là cảng Hamburg, Đức chiếm trên 14% lượng thông quan, cảng Antwerpen (Bỉ) chiếm trên 12,2% lượng thông quan.
Tại EU, Việt Nam là nhà cung cấp hàng đầu các sản phẩm tôm thẻ chân trắng hấp, luộc và các sản phẩm khác cho các siêu thị, do ngành chế biến có bề dày và nhiều sản phẩm được chứng nhận ASC. Việt Nam là nhà sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới và là nước xuất khẩu tôm sú lớn thứ hai sang châu Âu.
Trái ngược với tôm sú từ Bangladesh, rất nhiều tôm sú từ Việt Nam được đưa vào các siêu thị và chợ dịch vụ thực phẩm cao cấp của châu Âu. Nguyên nhân chính là do đã có một số lượng đáng kể các nhà sản xuất tôm sú được chứng nhận ASC ở Việt Nam, vì vậy các nhà sản xuất này có thể tiếp cận các thị trường có yêu cầu chứng nhận ASC. Tại các thị trường này, các nhà xuất khẩu của Việt Nam gặp rất ít hoặc không có sự cạnh tranh.