Trước thềm công bố báo cáo Export Sales tuần này với các số liệu cho giai đoạn 06/10-12/10, giới phân tích dự đoán khối lượng bán hàng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ sẽ nằm trong khoảng 950.000-1.625.000 tấn, so với mức 1.056.820 tấn của một tuần trước đó. Cần phải lưu ý rằng trong tuần đánh giá USDA đã báo cáo rằng Mỹ đã bán được 3 đơn bán hàng đậu tương lớn, với tổng khối lượng lên đến 629.000 tấn. Hơn nữa, hiện đang là cao điểm vụ thu hoạch đậu tương tại Mỹ nên các nhà sản xuất cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng cũng như giao hàng. Do đó, nhiều khả năng số liệu bán hàng đậu tương trong báo cáo Export Sales tối nay sẽ nằm trong khoảng dự đoán của thị trường, nhưng con số này cần phải cao hơn so với tuần trước đó để có thể giúp giá đậu tương duy trì được đà tăng.
Trong khi đó ở Brazil, hoạt động xuất khẩu đậu tương đang gặp khó khăn do tình trạng hạn hán tại Amazon. Hạn hán kỷ lục khiến mực nước sông Amazon chảy qua Brazil giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ, buộc các nhà xuất khẩu ngũ cốc phải chuyển một lượng nhỏ hàng xuất khẩu xuống các cảng phía nam thay vì các cảng phía bắc. Đây cũng là nguyên nhân khiến Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) hạ dự báo xuất khẩu đậu tương tháng 10 của nước này xuống còn 6,44 triệu tấn, từ mức 6,83 triệu tấn ước tính tuần trước. Dù vậy, ANEC cho rằng tình hình này sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch xuất khẩu ngũ cốc của nước này, đồng thời duy trì dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil ở mức kỷ lục 99 triệu tấn.

Giá Arabica vẫn có thể tăng nhưng khó để vượt mức tâm lý 160 cents/pound
Kết thúc phiên giao dịch 18/10, giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục tăng trước những lo ngại về nguồn cung trong ngắn hạn. Theo đó, giá Arabica tăng lên mức cao nhất trong 1 tháng và giá Robusta nối dài đà tăng sang phiên thứ năm liên tiếp. Giá cà phê giảm sâu tại Brazil khiến nhiều nhà cung cấp lựa chọn đứng ngoài thị trường trường, trong khi mưa kéo dài tại vùng sản xuất chính của Việt Nam dấy lên lo ngại gián đoạn hoạt động thu hoạch.
Mặc dù số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) và Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex) đều cho thấy hoạt động xuất khẩu cà phê đã trở nên tích cực trong những ngày đầu tháng 10, nhưng tâm lý thị trường vẫn thiên về lo ngại các nhà cung cấp đứng ngoài thị trường.
Bên cạnh lo ngại về vấn đề vận chuyển cà phê tại Brazil, số liệu sản lượng và xuất khẩu cà phê trong 9 tháng đầu năm 2023 tại Colombia khiến thị trường chưa thể an tâm hơn về nguồn cung cà phê ở hiện tại. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng và xuất khẩu cà phê Colombia đạt lần lượt 7,68 và 7,48 triệu bao, giảm 5,7% và 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn nữa, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tiếp tục giảm thêm 250 bao trong phiên 18/10, đưa tổng số bao cà phê đang lưu trữ tại đây về mức 431.772 bao, thấp nhất từ đầu tháng 11/2022.

Giá đồng sẽ phụ thuộc vào phát biểu của Chủ tịch FED vào đêm nay
Giá đồng biến động với biên độ khá hẹp trong phiên sáng khi sự lạc quan về dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đang dần bị lu mờ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn trước thềm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell phát biểu vào đêm nay. Bài phát biểu này của Chủ tịch FED sẽ tiết lộ manh mối về chính sách tiền tệ sắt tới của FED.
Trung Quốc đã đẩy nhanh việc ban hành các chính sách vực dậy nền kinh tế trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, sự khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực từng là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng của nước này, vẫn là một cơn gió ngược đối với đà tăng trưởng.
Số liệu chính thức được công bố hôm qua đã chỉ ra rằng, mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt 4,9% trong quý III, tăng vượt dự kiến, tuy nhiên, những thách thức của thị trường bất động sản vẫn tiếp tục kéo dài. Doanh số bán bất động sản và đầu tư kéo dài sự sụt giảm ở mức hai con số.
Trong khi đó, theo truyền thống, tháng 9 và tháng 10 thường là những tháng cao điểm về doanh số bán nhà mới ở Trung Quốc. Tuy nhiên, giá nhà mới của Trung Quốc tiếp tục giảm 0,1% trong tháng 9, đánh dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.
Do vậy, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn cuối năm có thể tiếp tục gặp phải thách thức, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Hơn nữa, bất động sản là một phân khúc tiêu thụ một lượng đồng lớn tại Trung Quốc. Do đó, giá đồng có thể tiếp tục phải chịu sức ép khi mà nhu cầu không thể bứt phá nhanh trong thời gian ngắn.
Về yếu tố vĩ mô, thị trường sẽ thận trọng đón chờ bài phát biểu của Chủ tịch FED tại Câu lạc bộ Kinh tế New York vào 11h đêm nay. Sau hàng loạt bình luận mang tính “ôn hòa” mà các quan chức FED đưa ra gần đây, bình luận của Powell sẽ mang tính quyết định về lập trường chính sách tiền tệ của FED trong thời gian tới.
Lưu ý, dữ liệu mới nhất từ FED Beige Book cho thấy nền kinh tế Mỹ đã chuyển từ “ổn định” sang “yếu đi một chút” trong tháng 9, trong khi đó, thị trường lao động nới lỏng và lạm phát giảm bớt. Báo cáo này đã làm gia tăng kỳ vọng về một chính sách mềm mỏng hơn của FED.
Do đó, nếu chủ tịch Powell đưa ra phát biểu “ôn hòa”, việc FED tạm ngừng tăng lãi suất vào tháng 11 gần như là chắc chắn. Đồng USD sẽ suy yếu trở lại và hỗ trợ cho giá đồng vào phiên tối.

Giá dầu có thể điều chỉnh giảm trước khi tăng trở lại trong trung hạn
Yếu tố góp phần hạ nhiệt giá chủ yếu ở thời điểm hiện tại, đó là thông tin Mỹ đã đình chỉ các biện pháp trừng phạt đối với sản xuất dầu, khí đốt và vàng của Venezuela sau bốn năm.
Sản lượng hiện tại của quốc gia này ở mức khoảng 750.000 đến 800.000 thùng mỗi ngày. Trên thực tế, mức sản lượng đã gia tăng trong thời gian gần đây. Dù không phải là 3 triệu thùng mỗi ngày, con số đã đưa Venezuela trở thành những nhà xuất khẩu dầu hàng đầu trong những năm 1990, nhưng mức sản lượng hiện tại cải thiện hơn nhiều so với mức đáy 374.000 thùng/ngày trong năm 2020.
Và với động thái mới từ Mỹ, thị trường kỳ vọng quốc gia Mỹ Latinh này có thể bơm thêm 200.000 thùng dầu thô/ngày, tăng khoảng 25% sản lượng trong năm tới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực Trung Đông có nguy cơ lôi kéo Iran, một đồng minh của cộng đồng hồi giáo ủng hộ phiến quân Hamas, giá dầu có thể tiếp tục được hỗ trợ. Nhưng đây vẫn sẽ là yếu tố về tâm lý, vì ngay cả khi Iran kêu gọi cấm vận dầu đối với Israel, nguồn cung cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều.
Nguyên nhân là do Israel có thể dễ dàng thay thế nguồn nhập khẩu. Kể từ giữa tháng 5, quốc gia ngày nhập khẩu khoảng 220.000 thùng/ngày, trong đó 60% tới từ 2 nhà nước Hồi giáo chính. Tây Phi, chủ yếu là Gabon, là những nhà cung cấp chính.
Israel sẽ có nhiều lựa chọn thay thế nếu có một lệnh cấm vận toàn diện của các quốc gia Hồi giáo. Mỹ, đồng minh quan trọng của Israel, là nhà cung cấp dầu thô bổ sung lớn nhất cho thị trường đường biển toàn cầu trong năm nay. Xuất khẩu từ Brazil, nước đã cung cấp cho Israel trong vài tháng qua, cũng đang tăng nhanh.
Mặc dù vậy, vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn nếu có bất kỳ sự ảnh hưởng nào tới Iran, và các hành động trả đũa của quốc gia này. Do đây là nhà xuất khẩu dầu lớn và nắm giữ eo biển Hormuz vận chuyển khoảng 1/3 lượng dầu thế giới. Do đó, tâm lý lo ngại rủi ro trước bất kỳ các hành động căng thẳng leo thang có liên quan tới Iran, đều sẽ thúc đẩy đà tăng của giá dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)