Đối diện với mức lạm phát gia tăng trên toàn cầu, các nền kinh tế lớn đã liên tục đưa ra các kế hoạch thắt chặt tiền tệ, nhưng đồng nghĩa với khả năng đẩy nền kinh tế rơi vào thời kỳ suy thoái. Trong bối cảnh này, thị trường kim loại quý vừa được hỗ trợ với vai trò là kênh trú ẩn an toàn, nhưng cũng chịu sức ép do khi hoạt động sản xuất công nghiệp trên thế giới sụt giảm.
Nguy cơ của một cuộc suy thoái toàn cầu
Sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào đầu tháng 5, lạm phát tại Mỹ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Điều này khiến Chủ tịch Fed tuyên bố sẽ mạnh tay trong tiến trình kiểm soát giá cả, ngay cả khi phải đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên cao. Trong khi đó, tại Anh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng lên 9% vào tháng 4, mức tăng cao nhất trong vòng 4 thập kỷ. Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Châu Âu (ECB) cũng tuyên bố về khả năng nâng lãi suất tiền gửi ra khỏi vùng âm vào cuối tháng 9, và cánh cửa về tăng lãi suất tại ECB được đánh giá là còn có thể được đẩy mạnh hơn ngay sau đó.
Lãi suất cao đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn với nghĩa vụ chi trả nợ trong tương lai, hoạt động đầu tư sản xuất bị thu hẹp và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Đây chính là những dấu hiệu cơ bản cho một cuộc suy thoái kinh tế.

Thực tế, thước đo năng lực sản xuất (PMI) tại Mỹ hay Nhật Bản đều có xu hướng giảm tốc. Đặc biệt là tại Trung Quốc, chỉ số PMI tháng 4 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trước tình trạng phong toả vì dịch bệnh Covid-19. Tỉ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc cũng tăng lên 6,1%, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Trong khi đó tại Mỹ, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp không ngừng gia tăng trong một tháng trở lại đây. Ngoài ra, bức tranh rõ ràng nhất nằm trên các thị trường chứng khoán thế giới khi lực bán tháo ồ ạt đã diễn ra trong vài tuần qua.
Trước những biến động của nền kinh tế, vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý một phần được thúc đẩy, tuy nhiên, một phần cũng phải gánh chịu rủi ro khi bạc và bạch kim là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất đang gặp không ít những thách thức lớn.
Hai vai trò đối lập trong kịch bản suy thoái kinh tế
Thế giới đã trải qua 4 thời kì đại suy thoái trong vòng 50 năm qua. Giá bạc và bạch kim đã ghi nhận những mức tăng trưởng khá tốt trong hoặc sau các thời kỳ suy thoái đó. Điển hình như cuộc đại suy thoái sau sự kiện bong bóng nhà đất tại Mỹ, giá bạch kim đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại vào năm 2008, ở mức 2.300 USD/ounce, trong khi giá bạc cũng liên tục tăng và đã đạt đỉnh vào đầu năm 2011 ở quanh mức 50 USD/ounce.
Tuy nhiên, thị trường bạc và bạch kim không phải lúc nào cũng được hỗ trợ mỗi khi suy thoái kinh tế xuất hiện, do vai trò là nguyên vật liệu đầu vào quan trọng trong chuỗi sản xuất đa ngành.

Từ đầu năm nay, một loạt các biến số địa chính trị và kinh tế đã khiến cho nhu cầu về bạch kim và bạc bị ảnh hưởng. Ứng dụng trong trang sức đối với bạch kim giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhu cầu bùng nổ về trang sức bạc trong năm 2021, đặc biệt là tại Ấn Độ đã không còn được duy trì. Trong trường hợp một cuộc suy thoái kinh tế xảy ra, nhu cầu về hàng hoá xa xỉ thường là lựa chọn cuối cùng trong tâm lý người tiêu dùng khi mức sống của họ đã trở nên hạn hẹp hơn.
Bên cạnh đó, bạc và bạch kim còn là mắt xích không thể thiếu đối với ngành công nghiệp, đặc biệt là chế tạo ô tô. Mới đây, Toyota, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới đã phải thông báo cắt giảm 100.000 đến 850.000 xe trong tháng 6 do thiếu linh kiện trước sự đứt gãy của chuỗi cung ứng tại Trung Quốc. Doanh số bán xe tại Mỹ cũng sụt giảm hơn 16% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, và một khi nền kinh tế tiếp tục suy yếu, nhu cầu về bạc và bạch kim vốn chiếm phần lớn trong ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô cũng sẽ chịu ảnh hưởng không hề nhỏ.
Thị trường kim loại quý và những biến số khó lường
Theo số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá bạc và bạch kim đều đang ở vùng giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay trước những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế toàn cầu. Mặc dù vai trò trú ẩn đối với nhóm kim loại quý đang được thúc đẩy trong một vài phiên gần đây, nhưng trong bối cảnh chuỗi cung ứng chưa được nối lại, và các nền kinh tế lớn gia sức kiềm chế lạm phát bất chấp việc làm chậm lại tốc độ tăng trưởng, sẽ tạo ra những áp lực lớn đối với thị trường này.

Việc đánh giá liệu vai trò trú ẩn hay vai trò sản xuất công nghiệp đối với nhóm kim loại quý sẽ tác động tới giá nhiều hơn trong bối cảnh suy thoái kinh tế là rất khó ở thời điểm này. Lộ trình tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát là một quá trình kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Trong khi đó, kim loại quý là các mặt hàng rất nhạy cảm với lãi suất, nên trong dài hạn, nhiều chuyên gia đang dự báo giá các mặt hàng bạc và bạch kim sẽ chịu áp lực do chi phí nắm giữ cao hơn. Ít nhất là cho đến khi các chỉ số giá giảm về mức kế hoạch, và bức tranh suy thoái kinh tế trở nên rõ ràng, nhu cầu trú ẩn có thể sẽ được thúc đẩy nhiều hơn.
Còn đối với vai trò sản xuất công nghiệp, bạc và bạch kim đang được sử dụng nhiều hơn so với thời điểm diễn ra các cuộc suy thoái trước. Nên triển vọng tiêu thụ tiêu cực hoàn toàn có thể tạo ra một xu hướng giảm trong trung và dài hạn đối với hai mặt hàng này.
Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển năng lượng xanh có thể sẽ là một động lực thúc đẩy nhu cầu bạc và bạch kim trong dài hạn bất chấp suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Đặc biệt, nhu cầu về bạc vẫn được dự báo sẽ tăng 5% và đạt kỷ mức kỷ lục trong năm nay so với năm ngoái nhờ sự thúc đẩy sản xuất pin mặt trời và các năng lượng xanh khác.
Theo Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam, chính sự đa dạng trong nhu cầu sử dụng sẽ khiến thị trường kim loại quý tiềm ẩn rất nhiều biến số khó lường trong thời gian tới. Về cơ bản, áp lực bán sẽ chiếm ưu thế hơn, nhưng không loại trừ khả năng thị trường sẽ nhận được các tín hiệu tích cực nếu hoạt động sản xuất và xây dựng tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á được đẩy mạnh.
Hồng Hạnh
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV