Giá ngô tăng lên trước những lo ngại về nguồn cung
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá hợp đồng ngô tháng 7 đã tăng 1.18%, lên 580.75 cents/giạ. Giá ngô tăng lên trước những lo ngại khi nguồn cung ngô củaMỹ sẽ bị thắt chặt do những số liệucủa Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy nhu cầu tăng trongviệc sản xuất ethanol, thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu.
Những triển vọng về nhu cầu đã khiến giới đầu tư đổ dồn sự tập trung về giai đoạn gieo trồng ngô Mỹ và ngô vụ 2 ở Brazil để tái thiết nguồn cung. Dự báo thời tiết cho thấy trong tuần này, các vùng Đồng bằng và Trung Tây ở Mỹ sẽ duy trì mức nhiệt độ thấp, băng tuyết xảy ra trên diện rộng. Trong khi đó, tình trạng khô hạn vẫn tiếp tục diễn ra ở các vùng đồng bằng phía Bắc. Thêm vào đó, ở Brazil, ngô vụ 2 đang được gieo trồng phía Nam cũng đang phải đối mặt với điều kiện thời tiết khô ráo hơn. Ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết ở các vùng gieo trồng ngô lớn nhất thế giới đã càng làm tăng thêm lo ngại về chất lượng vụ ngô năm nay và càng làm cho ngô có thêm động lực tăng giá.
Nguồn cung ngô ít hơn và những bất ổn về khí hậu trong giai đoạn phát triển của vụ ngô sẽ là những thông tin hỗ trợ cho giá ngô trong thời gian tới và giúp ngô có thể hướng tới vùng kháng cự tâm lý quan trọng là 600. Mở cửa phiên hôm nay, giá ngô được giao dịch ở mức 581.00 cents/giạ và đang tăng. Trên biểu đồ kĩ thuật, giá ngô đang dao động trong kênh xu hướng đi lên với các chỉ báo đều cho tín hiệu tích cực. Có khả năng, trong 1-2 phiên tới, giá ngô sẽ chạm đến mức kháng cự gần nhất là 595 nếu duy trì được trên mức hỗ trợ 570.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, giá cà phê trên 2 sàn đồng loạt tăng nhẹ trở lại, trong khi giá đường sụt giảm rất mạnh do động thái chốt lời của giới đầu cơ
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE US đóng cửa tăng nhẹ 0.53% lên mức 131.90 cent/pound. Chỉ số hoạt động kinh tế của Ngân hàng Trung ương Brazil trong tháng 2 tăng 1.7% so với tháng 1, cao nhất kể từ 2019 đến nay. Chỉ số này cũng đã có tháng tăng thứ 10 liên tiếp và hỗ trợ cho đồng Real tăng mạnh trong 5 phiên gần đây. Đây là yếu tố chính khiến lực bán suy yếu, nhất là trong bối cảnh sản lượng Arabica được dự báo sẽ thâm hụt trong năm nay. Tuy nhiên, lo ngại về dịch bệnh bùng phát tại một số quốc gia châu Âu vẫn đang cản trở đà tăng của Arabica.
Về mặt kỹ thuật, giá vẫn đang giằng co xung quanh đường xu hướng giảm kéo dài từ đầu tháng 3 đến nay. Tuy nhiên, đường Kijun của chỉ báo Ichimoku đang làm khá tốt vai trò hỗ trợ của mình. Nhiều khả năng giá vẫn sẽ tiếp tục dao động với vùng giá 131 – 133 cents trong phiên hôm nay để chờ thêm các thông tin mới.
Giá Robusta kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE EU đóng cửa tăng nhẹ trở lại 0.36% sau 2 phiên giảm liên tiếp trước đó, lên mức 1385 USD. Hoạt động thu hoạch vẫn đang diễn ra đền đặn tại Indonesia và Brazil, và chưa có lo ngại đáng kể nào về thời tiết. Trong khi nhu cầu vẫn chưa khởi sắc khiến giá chỉ đang đi ngang trong ngắn hạn. Về mặt kỹ thuật, giá Robusta cũng đang tiến sâu vào vùng mây kumo về có thể tiếp tục dao động trong vùng giá 1370 – 1390 để chờ các thông tin mới.
Giá đường kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm mạnh 2.17%, chủ yếu do tâm lý chốt lời của giới đầu cơ sau khi đã tăng mạnh hơn 7% trong tuần trước. Tuy nhiên, giá tăng mạnh trở lại khi mở cửa phiên hôm nay và lấy lại gần hết những gì đã mất trước đó. Giá dầu thô đang phục hồi kéo theo nhu cầu đối với ethanol, kết hợp với việc đồng Real mạnh lên và thời tiết khô hạn ở Sao Paolo vẫn đang là các yếu tố chính hỗ trợ mạnh cho giá đường. MXV News dự đoán, giá có thể chuyển lên vùng giá 16.60 – 16.80 trong hôm nay.
Sắc xanh và đỏ được chia đều trên bảng giá nhóm hàng kim loại được giao dịch tại Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam trong phiên hôm qua. Trong đó, giá bạc giảm 1.03%, đóng cửa xuống mức 25.837 USD/ounce, cùng chiều với giá vàng thế giới.
Đồng USD tiếp tục cho thấy sự suy yếu khi chỉ số Dollar Index giảm mạnh ở phiên thứ 5 liên tiếp, đóng cửa xuống chỉ còn 91.07 điểm. Đây là mức thấp nhất Dollar Index ghi nhận kể từ đầu tháng 3 năm nay, điều này cho thấy kì vọng lạm phát trên thị trường ở thời điểm hiện tại đang ở mức rất cao.
MXV News cho rằng, giá bạc sẽ đảo chiều tăng trở lại trong phiên hôm nay sau khi suy yếu trong ngày hôm qua. Mức giảm của giá bạc trong phiên hôm qua có thể coi là một nhịp điều chỉnh nhẹ, sau khi kim loại quý này tiến đến vùng giá 26.1, mức giá cao nhất trong vòng 3 tuần vừa qua.
Chuyên gia Katerina Simonetti tại ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, nền kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, với hàng loạt các gói kích thích chưa từng có tiền lệ đang tạo ra những lợi ích cho nhà đầu tư kim loại quý. Theo đó, vàng và bạc là hai tài sản trú ẩn hấp dẫn ở thời điểm hiện tại, khi mà lãi suất cho vay gần như đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Ngoài ra, giới quan sát cũng đang dồn hết sự chú ý ở thời điểm hiện tại vào tỉ lệ lạm phát. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang quan sát rất kĩ vấn đề lạm phát, và họ sẽ đứng lên hành động nếu tỉ lệ này quá cao. Tuy nhiên, quan điểm của Fed trong thời gian gần đây đều cho thấy quan điểm của cơ quan này về lạm phát chỉ là tạm thời. Fed cho biết sẽ không nâng lãi suất cho vay trong thời gian tới, ít nhất là cho tới khi nền kinh tế nước này hồi phục hoàn toàn và lạm phát được giữ ổn định ở mức 2%.
Bên cạnh đó, cuộc họp về chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong ngày thứ Năm tuần này là rất quan trọng, các nhà đầu tư cần chú ý theo dõi để đưa ra quyết định giao dịch hợp lý. Biên bản cuộc họp sẽ cho thấy cái nhìn cụ thể về tình hình nền kinh tế châu Âu, cũng như những quyết sách về kinh tế tại khu vực này trong thời gian tới.
Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch đầu tuần. Cụ thể, dầu WTI tăng 0.38% lên 63.43 USD/thùng, dầu Brent tăng 0.42% lên 67.05 USD/thùng.
Tổ chức Sáng kiến Dữ liệu chung (JODI) cho biết xuất khẩu dầu thô tháng 2 của Saudi rơi xuống mức thấp nhất trong 8 tháng trở lại khi nước này tự nguyện cắt giảm sản lượng trong tháng 2,3,4. Libya cũng cho biết sản lượng dầu nước này đã giảm từ 1.29 triệu thùng/ngày xuống dưới 1 triệu thùng/ngày. Sản lượng thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm khi Công ty dầu khí Quốc gia Libya đóng cửa các cơ sở sản xuất do tranh chấp với ngân hàng trung ương. Trong khi đó, Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) nhiều khả năng sẽ giữ nguyên mức tăng sản lượng thêm chỉ khoảng 350.0000 thùng/ngày trong tháng 5, khi các nước thành viên dự định thay thế cuộc họp bộ trưởng cao ngày 28/4 bằng cuộc họp của ủy ban giám sát. Thông tin này gây áp lực nguồn cung giảm thời gian tới. Giá USD suy yếu, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần qua cũng hỗ trợ giá dầu tăng.
Ở chiều ngược lại, lo ngại về suy giảm nhu cầu làm hạn chế đà tăng của dầu. Theo Reuters, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 4 giảm 6.7% so với tháng 3 bất chấp triển vọng phục hồi kinh tế do giá dầu lên cao. Bên cạnh đó, dịch bùng nổ tại Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu thứ 3 trên thế giới – làm giảm tiêu thụ dầu của nước này. Hôm qua, thủ đô Delhi đã ra lệnh phong tỏa trong vòng 6 ngày trong khi 13 bang khác áp dụng các biện pháp giới nghiêm, hạn chế đi lại.
Giá dầu có khả năng sẽ tăng trong hôm nay khi USD tiếp tục suy yếu và dự báo tồn kho dầu của Mỹ tuần trước giảm. 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam