Trên toàn thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá vào năm 2022, dự kiến giảm xuống 1,27 tỷ người vào năm 2025. Một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt là “đại dịch thuốc lá”, mỗi năm giết chết hơn 8 triệu người, khoảng 7 triệu ca tử vong trong số này là hậu quả của việc sử dụng thuốc lá trực tiếp, trong khi có tới 1,3 triệu người khác chết do tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Theo kết quả phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xu hướng sử dụng thuốc lá đang giảm dần nhờ các chính sách kiểm soát thuốc lá hiệu quả và toàn diện theo Công ước khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá (WHO FCTC) và MPOWER - một thành tựu trong cuộc chiến chống lại nạn dịch thuốc lá mà hàng triệu người đã được cứu sống. Hiện 150 quốc gia thành viên của WHO đang đạt được những thành công nhất định trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, 60 quốc gia đang dần đạt được mục tiêu tự nguyện toàn cầu là giảm 30% việc sử dụng thuốc lá đến năm 2025.
Một số nước, khu vực đã giảm tỷ lệ như sau:
- Khu vực Đông Nam Á: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở khu vực này cao nhất, với khoảng 432 triệu người sử dụng, chiếm 29% dân số. Nhưng đây cũng là khu vực có tỷ lệ sử dụng thuốc lá giảm nhanh nhất. Khu vực này có khả năng đạt tỷ lệ giảm sử dụng thuốc lá vào năm 2025.
- Khu vực châu Âu: Tại châu Âu khoảng 18% phụ nữ vẫn sử dụng thuốc lá, nhiều hơn so với các khu vực khác. Phụ nữ ở châu Âu vẫn sử dụng thuốc lá nhiều, tỷ lệ giảm chậm.
- Khu vực Đông - Địa Trung Hải: Pakistan là quốc gia duy nhất trong khu vực này dần đạt được mục tiêu giảm thuốc lá.
- Khu vực Tây Thái Bình Dương: Khu vực này dự báo sẽ trở thành khu vực có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất ở nam giới, với hơn 45% nam giới vẫn sử dụng thuốc lá vào năm 2025.
- Tại Brazil và Hà Lan: Hai nước này đang tập trung vào sáu biện pháp kiểm soát thuốc lá bao gồm bảo vệ, thực thi các lệnh cấm quảng cáo và tài trợ, tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá và hỗ trợ mọi người bỏ thuốc lá. Kết quả là Brazil đã giảm khoảng 35% người hút thuốc lá kể từ năm 2010 tới nay, Hà Lan cũng đang tiến gần tới mục tiêu giảm 30%.
- Tại Việt Nam: Mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2022 - 2025 giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong các nhóm đối tượng; Nhóm nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống còn 39%; Nhóm nữ giới từ 15 tuổi trở lên không quá 1,4%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại các khu vực công cộng như sau: Tại nơi làm việc giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 28%; Tại nhà hàng giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 74%; Quán bar,cà phê giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 83%; Khách sạn giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động tại khách sạn còn 59%. Đến 2025 sẽ cấm việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như thuốc lá điện tử, thuốc là nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng. Trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá trong nhóm nam giới từ 15 tuổi trở lên xuống 36,5%; nhóm nữ giới từ 15 tuổi trở lên không quá 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại các khu vực công cộng như sau: Tại nơi làm việc giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 25%; Tại nhà hàng giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 68%; Quán bar/cà phê giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động còn 78%; Khách sạn giảm tỷ lệ hút thuốc thụ động tại khách sạn còn 52%. 

Nguồn: VITIC tổng hợp