Mới đây, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) đã tổ chức hội thảo “Phòng chống thuốc lá lậu: Thực trạng và giải pháp” cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình chống buôn lậu thuốc lá và đề xuất các giải pháp để ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trong nhiều năm qua, ngành thuốc lá đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, đặc biệt là trong cuộc chiến chống thuốc lá lậu, hiện đang là vấn nạn quốc gia, hàng năm gây thất thu lớn đến ngân sách Nhà nước. Cụ thể, những năm qua Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg ngày 29/5/2014 về tăng cường các biện pháp phòng chống thuốc lá lậu; Quyết định 2371/QĐ-TTG ngày 26/12/2014 về tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu (thay vì tái xuất như trước đây).
Bên cạnh đó, Nghị định 124/NĐ-CP ban hành và có hiệu lực từ ngày 05/1/2016 là một trong những nỗ lực trong việc phòng chống thuốc lá lậu. Theo Nghị định này quy định hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (thay vì 1.500 bao trước đây).
Với sự quyết tâm của Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, ban, ngành, các địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ thị 30/CT-TTg, thời gian qua thuốc lá lậu đã giảm khoảng 30%, thị phần thuốc lá nhập lậu chỉ còn 15-20%.
Đặc biệt, trong hai năm gần đây khi việc lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương qua biên giới được kiểm soát chặt chẽ hơn do tình hình Covid-19, công tác chống thuốc lá lậu đã có những tiến triển đáng kể, cụ thể số lượng thuốc lá lậu bị bắt giữ trong năm 2020 tăng gần gấp đôi so với 2019, thị phần thuốc lá lậu trong năm 2020 theo đó cũng giảm gần 2%.
Dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức đặt ra trong công tác chống thuốc lá lậu. Tại hội thảo, các diễn giả đã nêu lên các thực trạng do nhiều yếu tố tạo nên, trong đó phải kể đến đầu tiên là lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận của các sản phẩm thuốc lá lậu.
Việc buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu và tập trung nhiều ở các tỉnh phía nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập khẩu bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc. 
Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam nhưng trên bao bì dán tem thuốc lá Việt Nam để qua mặt các cơ quan chức năng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực kiểm soát, tình hình buôn lậu thuốc lá đã diễn biến phức tạp trở lại kể từ cuối năm 2021, đầu năm 2022 sau thời gian giãn cách xã hội. Các đối tượng đã lợi dụng tuyến biên giới, tuyến biển, cảng biển, tuyến hàng không, thị trường nội địa để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Để công tác chống buôn lậu thuốc có hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát và điều chỉnh, như: chính sách thuế với thuốc lá sản xuất hợp pháp cần được điều chỉnh để làm giảm động lực của những người đi buôn lậu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp trong nước kiểm soát chất lượng.
Tăng cường tuyên truyền thương nhân, nhà phân phối không tham gia tiếp tay cho các đường dây buôn lậu; cần có nhiều nguồn lực hơn để thắt chặt kiểm tra ở vùng biên giới và giám sát thị trường ở các tỉnh này; trích một phần kinh phí trong Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá lậu; kiến nghị Chính phủ có giải pháp làm việc với nước bạn Campuchia để giải quyết tình trạng buôn lậu nói chung và thuốc lá lậu nói riêng từ lãnh thổ Campuchia về Việt Nam.
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng có lựa chọn dù không thể bỏ ngay thói quen nghiện thuốc nhưng sẽ thay đổi dần hành vi, chuyển từ sử dụng sản phẩm độc hại nhiều gây thiệt hại mạnh sang sản phẩm ít gây hại hơn rồi bỏ hẳn.

Nguồn: VITIC Tổng hợp