Theo số liệu của Capital Economics, chỉ số MSCI thị trường mới nổi giảm 11% kể từ đầu tháng khiến P/E của chỉ số này xuống 9,4 lần, thấp hơn so với P/E 10 lần trung bình 5 năm.

Trong khi đó, P/E của chỉ số MSCI chứng khoán toàn cầu (theo dõi biến động 23 thị trường chứng khoán phát triển) là 13,9 lần. Như vậy, chênh lệch P/E giữa MSCI toàn cầu và MSCI thị trường mới nổi hiện lớn nhất kể từ trước khủng hoảng tài chính 2008.

John Higgins, kinh tế trưởng của Capital Economics cho rằng: “Khi những biến động gần đây của thị trường toàn cầu được giải quyết, chúng tôi cho rằng, giá trị cổ phiếu của các thị trường này có thể tăng, kéo theo một số thị trường chứng khoán mới nổi tăng trưởng vượt bậc trong những tháng tới”.

Mikio Kumada, giám đốc điều hành kiêm chiến lược gia của LGT Capital Partners cũng cho rằng, giá trị cổ phiếu thị trường mới nổi sẽ tốt hơn sau đợt bán tháo.

Theo khảo sát của Capital Economics, hiện cổ phiếu Nga đang rẻ nhất trong số các thị trường mới nổi. P/E của chỉ số chứng khoán Nga là 4,9 lần, thấp hơn so với mức trung bình 5 năm là P/E 5,2 lần. Tiếp đến là thị trường chứng khoán Ai Cập với P/E 7,3 lần, của Trung Quốc là 7,8 lần.
Kim Phượng
Theo CNBC