Sau 8 phiên giảm liên tiếp, chứng khoán châu Á lấy lại đà tăng điểm vào cuối giờ sáng nay 26/8 sau khi Trung Quốc hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc để hỗ trợ thị trường.

Cuối phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương tăng 2% từ mức thấp nhất 2 năm rưỡi. 8 phiên giảm điểm liên tiếp trước đó, chỉ số này mất 9,8% do đà bán tháo trên các thị trường chứng khoán toàn cầu.

Thị trường chứng khoán châu Á bắt đầu khởi sắc từ hôm nay tuy nhiên đà phục hồi chưa bền vững khi các thị trường đều trải qua phiên giao dịch sáng biến động tăng giảm mạnh.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc mở phiên sáng nay giảm 3,9% nhưng chốt phiên sáng tăng 2,9%. Chỉ số này đã giảm 22% chỉ trong vòng 4 phiên, giảm mạnh nhất kể từ 1996 và khiến vốn hóa thị trường bốc hơi hơn 1.000 tỷ USD. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,6%, chỉ số CSI300 tăng 3,3%. Tuy nhiên, chốt phiên chiều, Shanghai Composite lại quay đầu giảm 1,3%. Hang Seng China Enterprises giảm 0,2%, Hang Seng giảm 0,7%.

Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei chốt phiên tăng 3,2%, Topix tăng 3,2%. Chỉ số Kospi Hàn Quốc tăng 1,1%. Vn-Index của Việt Nam cũng tăng gần 15 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Á bật tăng sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay, đồng thời giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng.

Ngay sau thông tin này, chứng khoán Mỹ đã bật tăng gần 4%, mạnh nhất kể từ đầu năm, bù đắp lại gần hết số điểm đã mất trong ngày thứ Hai đen tối. Tuy nhiên, thị trường đảo chiều mất điểm về cuối phiên với các chỉ số đồng loạt giảm hơn 1%.

Thị trường biến động tăng, giảm mạnh có thể do những biện pháp can thiệp của Trung Quốc chưa đủ để phát đi tín hiệu tằng họ sẽ tiếp tục hỗ trợ thị trường trong 2 hay 3 tuần tới, ngoài ra, Trung Quốc cũng chưa vạch ra các biện pháp cụ thể để hỗ trợ thị trường trong nước, Evan Lucas, chiến lược gia thị trường tại quỹ đầu tư IG nhận định.

Động thái hạ lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của Trung Quốc đưa ra sau khi thị trường chứng khoán nước này trải qua 2 phiên mất điểm kỷ lục 8,5% và 7,6%.  Các phiên mất điểm từ giữa tháng 6 đến nay khiến vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc mất hơn 5.000 tỷ USD.
Minh Phương
Theo Bloomberg