Lúc 1h43 chiều nay 25/8 theo giờ Hong Kong, chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1,7% sau khi xuống thấp nhất 3 năm. Chỉ số Nikkei thu hẹp đà giảm 3,2% sau khi giảm 4,3% đầu phiên, trong phiên có lúc Nikkei tăng 1,9%.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc thu hẹp mức giảm về 5,7% sau khi giảm 6,3% đầu phiên. Kospi Hàn Quốc tăng 0,9%, chứng khoán Đài Loan tăng 3,6%, Australia tăng 2,3%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của Indonesia và Thái Lan lần lượt tăng 2% và 0,6%.

Sự phục hồi của thị trường chứng khoán châu Á giúp giá dầu phục hồi sau khi giảm 6% phiên hôm qua. Đầu giờ chiều nay theo giờ Singapore, giá dầu Brent giao tháng 10 tăng 49 cent hay tăng 1,1% lên 43,18 USD/thùng. Giá dầu Mỹ WTI giao tháng 10 cũng tăng 63 cent hay tăng 1,7% lên 38,87 USD/thùng.

Những phiên gần đây, nhà đầu tư liên tục bán tháo trên các thị trường chứng khoán toàn cầu do lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc và nguy cơ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Sự hoảng loạn của nhà đầu tư khiến thị trường chứng khoán toàn cầu mất hơn 2.700 tỷ USD chỉ trong phiên hôm qua 24/8.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường đang lo sợ quá mức về Trung Quốc. Theo một số chuyên gia kinh tế, đà lao dốc của chứng khoán Trung Quốc không phản ánh toàn bộ thực trạng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

“Sự sụp đổ của bong bóng chứng khoán chẳng nói lên điều gì về thực trạng kinh tế Trung Quốc. Sự hoảng loạn về Trung Quốc đang bị thổi phồng”, Mark Williams, kinh tế trưởng tại Capital Economi nhận đinh.

Chuyên gia này cũng nói thêm: “Thực tế, những dữ liệu gần đây tích cực hơn những gì chúng ta nhìn nhận, một phần lớn kinh tế Trung Quốc vẫn tương đối khỏe mạnh. Giới hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn có thể nới lỏng chính sách nếu cần thiết”.
Minh Phương
Theo Reuters, Bloomberg, MarketWatch