Phiên 21/8, nhiều chỉ số chứng khoán cơ bản trên các thị trường lớn đồng loạt bắt đáy, trong đó thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất với hơn 4%. Chỉ số MSCI toàn thế giới theo đó giảm 2,7% xuống thấp nhất kể từ tháng 10/2014.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 4,2% xuống 3.507,7 điểm trong phiên 21/8. Trong cả tuần qua, chỉ số này đã giảm 11,5% - mức giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 3/7.
Thị trường chứng khoán tại Hong Kong cũng bị ảnh hưởng với chỉ số Hang Seng giảm 1,5% trong phiên 21/8 và tổng 6,6% trong cả tuần.
Giới đầu tư trên hai thị trường này bắt đầu bán tháo mạnh cổ phiếu sau khi Caixin Media và Markit Economics cho biết, chỉ số Quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 của Trung Quốc xuống thấp nhất kể từ năm 2009 ở 47,1 điểm. Đây là số liệu kinh tế đầu tiên của tháng 8 được công bố sau hàng loạt số liệu kinh tế đáng thất vọng trong tháng 7 của Trung Quốc, trong đó có số liệu về tăng trưởng đầu tư, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và kim ngạch xuất khẩu.
Làn sóng bán tháo cổ phiếu bắt đầu lan rộng ra các thị trường chứng khoán lớn hơn, từ Mỹ, châu Âu đến Nhật Bản. Các thị trường chứng khoán này đều giảm ít nhất 3%.
Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 giảm 3,19% xuống thấp nhất kể từ tháng 10/2014. Trong cả tuần, chỉ số này giảm 4,3% với giá trị vốn hóa thị trường giảm 1,1 nghìn tỷ USD. Cổ phiếu của tất cả 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đồng giảm trong phiên 21/8 với cổ phiếu công nghệ, năng lượng và hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu giảm mạnh nhất.
Ngoài ra, chỉ số Dow Jones cũng giảm 3,12% và Nasdaq giảm 3,52% với hơn 10,5 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ. Ba chỉ số lớn này đều ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2011.
Tại châu Âu, thị trường chứng khoán bắt đầu giảm mạnh ngay sau khi chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc được công bố và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong gần 4 năm qua.
Chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 4,3% xuống thấp nhất kể từ đầu năm 2015 và chốt phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2011. Trong cả tuần chỉ số này giảm 8,5% và cũng là tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2011.
Trong đó đáng chú ý, thị trường chứng khoán Hy Lạp giảm 2,5% sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras xin từ chức trước đợt bầu cử sớm trong tháng 9 tới.
Kết quả là, chỉ số MSCI các thị trường mới nổi cũng giảm 2,16% xuống thấp nhất 4 năm qua.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei cũng ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp xuống thấp nhất 3 tháng rưỡi. Cụ thể, Nikkei giảm 3% trong phiên 21/8 và giảm 5,3% trong cả tuần qua. Đây là tuần giảm mạnh nhất của Nikkei kể từ tháng 4/2014.
Những lo ngại về sức khỏe của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, cùng với những đồn đoán xung quanh việc Fed nâng lãi suất đã khuấy động mạnh thị trường chứng khoán trong tuần qua. Trong bối cảnh này, giới đầu tư bắt đầu tháo chạy khỏi những tài sản rủi ro như chứng khoán, USD để tìm nơi đầu tư an toàn như vàng.
Nguyễn Dung
Theo Reuters