Mặc dù các thị trường chứng khoán lớn như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc đồng giảm điểm nhưng cổ phiếu tại Mỹ lại bất ngờ phục hồi sau phiên báo tháo ngày 9/9. Kết quả là, chỉ số MSCI toàn cầu chỉ giảm nhẹ 0,08%.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,39% sau khi chính phủ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng và sản xuất tháng 8. Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng mạnh hơn kỳ vọng với 2% nhưng chỉ số giá sản xuất lại giảm 5,9% và ghi nhận tháng giảm thứ 42 liên tiếp.
Số liệu này dấy lên lo ngại về nguy cơ giảm phát tại nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng giảm 2,6%.
Tại Nhật Bản, thị trường chứng khoán cũng lao dốc khi số đơn đặt mua máy móc của Nhật Bản giảm mạnh trong tháng 7/2015, dấy lên lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sau khi tăng trưởng âm trong quý II/2015. Chỉ số Nikkei giảm 2,5%, tương đương với việc mất 1/3 số điểm đã đạt được trong ngày 9/9.
Những lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản cũng kéo giảm niềm tin đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu với chỉ số FTSEurofirst 300 giảm 1,1%.
Ngược lại tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán cơ bản đồng loạt tăng điểm sau phiên bán tháo hơn 1% ngày 9/9. Cụ thể S&P 500 và Dow Jones đều tăng 0,5% và Nasdaq tang 0,8% với khoảng 6,8 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.
Cổ phiếu của 9 trong 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 tăng giá, trong đó tăng mạnh nhất là cổ phiếu công nghệ với 1%. Đáng chú ý là sự phục hồi của cổ phiếu Apple với mức tăng 2,2%. Cổ phiếu năng lượng cũng tăng giá nhờ giá dầu WTI tăng 4% và giá dầu Brent tăng 2,8%.
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm 6000 đơn xuống 275.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 5/9. Tuy nhiên mức tăng vẫn còn hạn chế do những lo ngại xung quanh kế hoạch nâng lãi suất của Fed.
Cuộc họp chính sách ngày 16 - 17/9 của Fed hiện là tâm điểm lớn nhất của thị trường. Trong khi một số chuyên gia kêu gọi Fed nâng lãi suất ngay trong tháng 9 thì World Bank và Quỹ Tiền tệ quốc tế khuyên Fed nên tiếp tục trì hoãn cho đến khi kinh tế toàn cầu đủ vững.
Nguyễn Dung
Theo Reuters