Chỉ số MSCI toàn cầu tăng 0,8% trong cả phiên 2/9.

Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 và Dow Jones đồng tăng 1,8% lần lượt lên 1.948,86 điểm và 16.351,38 điểm. Chỉ số Nasdaq cũng tăng 2,5%.

Có khoảng 7,5 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ với cổ phiếu của tất cả 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều tăng giá. Trong đó, cổ phiếu công nghệ và công nghiệp tăng mạnh nhất S&P 500. Ngoài ra nhờ giá dầu thô phục hồi, cổ phiếu năng lượng cũng tăng 0,9%.

Tại châu Âu, thị trường chứng khoán cũng dần khởi sắc khi FTSEurofirst 300 tăng 0,2%. Trong đó, các chỉ số chứng khoán cơ bản tại London, Paris và Frankfurt tăng từ 0,3% đến 0,4%.

Tuy nhiên tại châu Á, giá cổ phiếu tiếp tục giảm tại các thị trường lớn như Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc. Theo đó, Nikkei giảm 0,4%, Hang Seng giảm 1,2% xuống thấp nhất 2 năm và Shanghai Composite giảm 0,2%.

Thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc sau khi nhận được thông tin rằng, 9 công ty môi giới của Trung Quốc cam kết mua số cổ phiếu trị giá hơn 30 tỷ nhân dân tệ để ổn định thị trường. Đây là nỗ lực tiếp theo của Trung Quốc sau khi đã hạ lãi suất, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và bơm tiền vào hệ thống tài chính nhằm cứu vớt thị trường trong tuần trước.

Một số chuyên gia tỏ ra khá lạc quan với những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc kể từ sau cú sốc phá giá nhân dân tệ.

Khi lo ngại về Trung Quốc được xoa dịu, thị trường lại chuyển tâm điểm sang kinh tế Mỹ và kế hoạch nâng lãi suất của Fed. Báo cáo việc làm tháng 8/2015 - được công bố vào ngày 4/9 - sẽ là manh mối quan trọng để giới đầu tư đánh giá thời điểm Mỹ thắt chặt chính sách.  

Nguyễn Dung

Theo Reuters