Kết thúc phiên 1/9, MSCI toàn thế giới giảm 2,7% và chỉ số này đã giảm 7,4% kể từ đầu năm đến nay.

Tại Mỹ, các chị số chứng khoán cơ bản đồng lao dốc gần 3% với S&P 500 giảm 2,96%, Dow Jones giảm 2,84% và Nasdaq giảm 2,94%. Có khoảng 9 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.

Cổ phiếu của tất cả 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đều giảm giá, với cổ phiếu năng lượng, tài chính và công nghệ đồng giảm hơn 3%. Đáng chú ý là cổ phiếu năng lượng ghi nhận phiên giảm đầu tiên trong 5 ngày qua do giá dầu thô WTI giảm 8,5% trong phiên 1/9.

Các thị trường chứng khoán lớn như châu Âu hay Nhật Bản cũng không tránh khỏi làn sóng bán tháo khi chỉ số FTSEurofirst 300 và Nikkei lần lượt giảm 1,3% và 3,8%.

Giới đầu tư bắt đầu bán tháo mạnh cổ phiếu sau khi chỉ số Shanghai Composite chốt phiên với mức giảm lên tới 4,8% do PMI sản xuất xuống thấp nhất 3 năm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng giảm 2,2% do doanh số bán lẻ ghi nhận 5 tháng giảm liên tiếp tính đến tháng 7/2015.

Những dấu hiệu suy yếu gần đây của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Trung Quốc, đang dấy lên nghi ngờ về tình hình tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Hôm qua, Giám đốc quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde cảnh báo rằng các nền kinh mới nổi trên thế giới cần duy trì khả năng phục hồi lớn hơn để đối phó với tình trạng giảm đà tăng trưởng của Trung Quốc. Bà Lagarde nhấn mạnh, triển vọng tăng trưởng toàn cầu hiện u ám hơn nhiều so với 2 tháng trước.

Trong thời gian tới khi chờ đợi hiệu quả từ các biện pháp ổn định thị trường của Trung Quốc, giới đầu tư sẽ tập trung vào báo cáo việc làm tháng 8/2015 của Mỹ để dự đoán hướng đi lãi suất của Fed.

Nguyễn Dung

Theo Reuters