Chỉ số MSCI toàn cầu tăng 0,75% trong cả phiên 15/9.

Tại Mỹ, các chỉ số chứng khoán cơ bản đồng loạt tăng hơn 1% nhờ số liệu kinh tế tích cực. Cụ thể, chỉ số S&P 500 tăng 1,28%, Dow Jones tăng 1,4% và Nasdaq tăng 1,14%.

Chứng khoán Mỹ được hỗ trợ bởi doanh số bán hàng, không tính ôtô, xăng, vật liệu xây dựng và thực phẩm, tăng 0,4% trong tháng 8. Đây là dấu hiệu chứng tỏ chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ đang dần phục hồi ổn định.

Tuy nhiên khối lượng giao dịch trên thị trường vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3 tháng qua do tâm lý giao dịch thận trọng trước cuộc họp của Fed. Chỉ có 5,9 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ.

Thị trường châu Âu hay Nhật Bản cũng khởi sắc hơn dù thị trường vẫn dè dặt đầu tư vào chứng khoán trước khi Fed ra quyết định.

Chỉ số FTSEurofirst 300 và Nikkei lần lượt tăng 0,85% và 0,3%.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng một phần nhờ quyết sách của hội đồng ngân hàng trung ương (BOJ). Cụ thể, BOJ vẫn giữ nguyên gói chính sách kích thích hiện tại dù xuất khẩu của Nhật Bản đang bị ảnh hưởng từ đà suy yếu của kinh tế toàn cầu.

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong vẫn tiếp tục giảm mạnh do lo ngại về tình hình tăng trưởng kinh tế nội địa và quyết sách của Fed. Chỉ số Shanghai Composite giảm 3,52% và Hang Seng giảm 0,5%.

Trong 2 ngày này 16 - 17/9, giới đầu tư toàn cầu sẽ chỉ tập trung theo dõi động thái của Fed trong cuộc họp chính sách. 

Nguyễn Dung

Theo Reuters