MSCI toàn cầu chốt phiên 9/9 tăng 0,3% trước khi tăng 1,8% trong những giờ giao dịch đầu tiên.
Trong đó, Nhật Bản là thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ nhất với phiên tăng điểm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Cụ thể, chỉ số Nikkei tăng 7,7% trước đồn đoán chính phủ Nhật Bản sẽ giảm thuế doanh nghiệp. Ngày 9/9, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, chính phủ có thể sẽ giảm thuế doanh nghiệp 3,3 điểm % trong vòng 2 năm tính đến năm tài chính 2016 (bắt đầu từ tháng 4/2016).
Ngoài ra, chỉ số Topix cũng tăng 6,4% với toàn bộ 33 nhóm ngành trong chỉ số Topix đều tăng điểm, mạnh nhất là dược phẩm và bảo hiểm.
Tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán ở đại lục và Hong Kong cũng đồng tăng điểm mạnh nhờ đồn đoán chính phủ sẽ tăng cường kích thích sau số liệu thương mại u ám. Cụ thể, Shanghai Composite tăng 2,29% - ghi nhận phiên tăng thứ 2 liên tiếp và Hang Seng tăng 4,1%.
Tin đồn về việc Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích cũng giúp thị trường chứng khoán có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp lên cao nhất 2 tuần. Chỉ số FTSEurofirst 300 tăng 1,4% lên cao nhất kể từ cuối tháng 8 và STOXX Europe 600 tăng 3%.
Kết quả là, chỉ số MSCI Thị trường mới nổi tăng 2,4% - mức tăng lớn nhất kể từ ngày 27/8. Các thị trường chứng khoán Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Ai Cập và Saudi Arabia đồng tăng ít nhất 1,2%.
Trái ngược với xu hướng chung của các thị trường lớn, Phố Wall lại bất ngờ giảm hơn 1% do giá dầu thô giảm. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm 1,39% và 1,45%.
Trong 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500, cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất với 1,9% do giá dầu thô WTI và Brent đồng giảm 3,9%. Cổ phiếu công nghệ cũng giảm theo đà giảm của cổ phiếu Apple (1,9%) sau lễ ra mắt sản phẩm mới.
Hiện tại, tâm điểm lớn nhất của giới đầu tư trên các thị trường tài chính là cuộc họp chính sách của Fed trong ngày 16 - 17/9 tới với đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất. Tuy nhiên hôm qua 9/9, giới chuyên gia tại World Bank đã lên tiếng cảnh báo rằng, việc Fed nâng lãi suất quá sớm có thể đẩy thị trường mới nổi vào cuộc khủng hoảng mới.
Nguyễn Dung