"Mục tiêu của chúng tôi là có ít nhất 25 Cty niêm yết trên sàn vào thời điểm năm 2020 và chúng tôi đang tìm cách khuyến khích nhiều DN nhà nước và DN khối tư nhân lên sàn”, Vanhkham Voravong, quan chức điều hành của LSX nói tại một hội nghị gần đây có sự tham gia của một số đối tác.
LSX và các đồng nghiệp tại Campuchia được nói là đang nỗ lực tìm cách thu hút các Cty phát hành cổ phiếu và niêm yết trên sàn, cho dù cổ phiếu của họ “thiếu chiều sâu ở khía cạnh tài chính” và thực tế là nhiều Cty của cả hai nước hoặc không thể hoặc không sẵn lòng tuân thủ những quy định về công khai hóa ngặt nghèo mà một thị trường chứng khoán thông thường đòi hỏi.
Theo lời ông Vanhkham, LSX cũng đang xem xét một số phương án để có thể cho phép các Cty đang hoạt động ở Lào và các nước khác, ví dụ như Thái Lan, được niêm yết trên hai sàn chứng khoán cùng lúc.
Thái Lan, nước có thị trường chứng khoán phát triển hàng đầu khu vực tiểu vùng sông Mekong, đang có vai trò chủ chốt trong việc giúp đỡ Lào phát triển thị trường vốn. Đó cũng là lý do vì sao LSX đang hy vọng một số Cty Thái Lan đang làm ăn tại Lào trong các dự án điện và nhiều ngành khác sẽ tham gia trên sàn chứng khoán Lào.
Du lịch, năng lượng truyền thống và năng lượng thay thế là những ngành chủ chốt mà LSX đang nhắm tới, bên cạnh ngành thực phẩm và đồ uống, ví dụ như những nhà SX cà phê Lào, ngành đang ngày càng được biết tới nhiều hơn. Lào đã đặt mục tiêu SX 20% năng lượng từ các nguồn tài nguyên thay thế, ví dụ như năng lượng mặt trời và năng lượng sinh học. Hiện nay, hầu hết nguồn điện năng của Lào đến từ thủy điện.
Ông Vanhkham nói mục tiêu của LSX không chỉ là tăng số lượng Cty niêm yết mà họ còn muốn đa dạng các loại hàng hóa trên sàn, ví dụ trái phiếu chính phủ hoặc các công cụ tài chính khác.
Theo bước người Thái
Ông Vanhkham cũng giống như các quan chức Lào khác đồng ý rằng tồn tại một nhu cầu nâng cao tính cạnh tranh quốc gia và một cách để đạt được mục tiêu đó là cải thiện công nghệ và cung cách tổ chức, điều hành thị trường tài chính.
Về khía cạnh này, theo tờ báo Thái Lan, các Cty Thái và Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan, tròn 40 tuổi vào năm nay, có thể giúp.
“Chúng tôi phải công nhận rằng điểm yếu của chúng tôi chính là công nghệ và sản phẩm chúng tôi cung cấp cho thị trường còn nghèo nàn. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải mở rộng chiều sâu của thị trường chứng khoán Lào”, ông Vanhkham nói với Bangkok Post.
Một cách để đạt mục tiêu là đưa ra các biện pháp khuyến khích các DN vừa và nhỏ, tạo điều kiện để DN vừa và nhỏ thấy niêm yết trên sàn chứng khoán là một cách để tiếp cận thị trường tài chính và xây dựng thương hiệu, uy tín.
Lào được xem là quốc gia đang có tiềm năng lớn thu hút đầu tư từ nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực, một phần bởi Lào có đường bộ thông thương với Trung Quốc, là cầu nối trên bộ giữa Trung Quốc và phần còn lại của các nước ASEAN. Thêm vào đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc dân luôn đạt 7% khiến thị trường vốn của nước này thêm hấp dẫn trong tương lai gần.
“Chúng tôi cần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan, và với nhiều ưu đãi về thuế và các biện pháp khuyến khích khác, thị trường chứng khoán có thể sẽ hấp dẫn”, Vanhkham nói.
Hiện nay, các Cty niêm yết trên sàn LSX nhận được giảm thuế thu nhập DN xuống còn 19% từ mức thông thường là 24% trong vòng 4 năm.
Còn nhiều lợi ích khác chứ không chỉ là mức thuế giảm, theo lời Chanthone Sitthixay, một giám đốc điều hành của Cty thương mại Dầu mỏ Lào, DN niêm trên sàn LSX kể từ tháng 12/2014.
“Khi chúng tôi niêm yết trên sàn chứng khoán, chúng tôi phải xử lý nhiều vấn đề, tất nhiên là có những trở ngại như chuyện công khai thông tin, chuyện đi đến các quyết định đồng thuận. Nhưng hãy nghĩ theo cách này: trước đây tôi phải được sự cho phép của vợ tôi trong mọi việc ở Cty nhưng giờ đây việc của tôi chuyển qua tìm kiếm sự cho phép của ban giám đốc điều hành”, Chanthone nói.
Theo ông Chanthone, mục tiêu của ông là niêm yết Cty ngay từ ngày thành lập bởi ông muốn chuẩn bị cho quá trình DN lớn mạnh ở tầm khu vực. Với Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang phát triển năng động, các Cty có độ minh bạch cao và niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ có nhiều cơ hội.
Việc lên sàn cũng giúp Cty của Chanthone giảm chi phí vận hành khi được hai Cty hàng đầu thế giới thực hiện kiểm toán và niêm yết công khai cũng giúp Cty được hưởng lãi suất ưu đãi ở mức 5-6% so với 13-14% mà các Cty thông thường phải chịu.
“Rất nhiều người nghĩ rằng niêm yết là việc không hay và thậm chí có người e ngại, nhưng theo quan điểm của tôi, khi tắt đèn anh sẽ thấy ma nhưng nếu bật đèn, khả năng thấy ma là rất thấp”, Chanthone nói. “Cái chúng ta cần làm là bật ngọn đèn trong não để nhìn thấy lợi nhuận”.
Chanitr Charnchainarong, cựu lãnh đạo của Trung tâm Giao dịch đầu tư và nay là chuyên gia tư vấn các DN nhỏ và vừa ở Lào đã nhiều dịp khuyến khích các đối tượng ông cho là đã có đủ can đảm để niêm yết trên sàn. “Rất nhiều Cty lớn đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Thái Lan từng là DN nhỏ hoặc vừa, ví dụ Land & Houses hoặc Banpu”, ông nói.
Theo Anh Minh
Báo Nông Nghiệp