Viện Tài chính quốc tế (IIF) trích dẫn số liệu của EM Squared - bộ phận phân tích dữ liệu của Financial Times - cho biết, trong ngày 18/9, thị trường trái phiếu và chứng khoán ghi nhận dòng vốn chảy vào thị trường mới nổi lên tới 540 triệu USD. Theo IIF, đây là lần đầu tiên giới đầu tư đổ vốn vào các tài sản của thị trường mới nổi sau 35 ngày rút lui liên tiếp trước đồn đoán Fed nâng lãi suất.
Tuy nhiên, chuyên gia Mark Mobius tại quỹ đầu tư Franklin Templeton - một trong những quỹ quản lý thị trường mới nổi lớn nhất cho rằng, việc giới đầu tư đổ vốn trở lại EM không hẳn là một tin tức tốt lành. "Chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn trên thị trường."
Chiến lược gia tiền tệ và tín dụng thị trường mới nổi tại Société Générale - ông Bernd Berg cũng đồng quan điểm khi cho rằng: "Cơn giông tố vẫn chưa kết thúc và sẽ còn mạnh hơn trong vài tuần tới."
Dẫu vậy, ít nhất là trong ngắn hạn, giới đầu tư vẫn sẽ chào đón quyết định trì hoãn nâng lãi suất của Fed. Bởi, một khi Fed nâng lãi suất thì giới đầu tư chắc chắn sẽ rút mạnh vốn khỏi các danh mục đầu tư ở thị trường mới nổi. Động thái này cũng giống như việc Fed triển khai chương trình nới lỏng định lượng trước đây, khiến dòng vốn tháo chạy khỏi thị trường mới nổi tăng mạnh trong năm 2013.
Xu hướng này kéo dài đến tận đầu năm 2015 khi thị trường dấy lên đồn đoán Fed sẽ sớm nâng lãi suất vào tháng 6.
Một yếu tố khác khiến giới đầu tư lánh xa thị trường mới nổi là những lo ngại xung quanh tình trạng trì trệ của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là sự suy yếu của Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác. Đây cũng là một lý do khiến Fed trì hoãn nâng lãi suất trong tuần trước.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, Fed sẽ tiếp tục phải trì hoãn nâng lãi suất và thậm chí phải triển khai gói nới lỏng định lượng thứ 4 trước nguy cơ khủng hoảng toàn cầu xuất phát từ các thị trường mới nổi.
Nguyễn Dung
Theo FT