Trong cuộc họp G20 ngày 6/9, Thống đốc Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã có tuyên bố trấn an nhà đầu tư rằng sự điều chỉnh trên thị trường tiền tệ và chứng khoán đã qua. Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite Index trong tuần này chỉ tăng 1,27% và vẫn giảm 1,06% so với đầu năm.
Hiện chứng khoán nước này đã giảm từ mức đỉnh 5.100 điểm đạt được vào tháng 6/2015 xuống khoảng 3.000 điểm. Trên thị trường tiền tệ, Nhân dân tệ đã giảm giá 4,18% so với ngày 10/8/2015.
Không có nhiều chuyên gia cảm thấy bớt lo lắng sau tuyên bố của Thống đốc Chu. Giá của các cổ phiếu tại Trung Quốc có thể đã giảm kể từ mức đỉnh tháng 6, nhưng nhiều cổ phiếu nhỏ vẫn có mức P/E cao kỷ lục.
Hãng CLSA nhận định chính quyền Bắc Kinh đã thúc đẩy chứng khoán lên quá cao và cuối cùng chính phủ sẽ buộc phải dừng hỗ trợ thị trường. Công ty này cũng dự đoán chỉ số Shanghai Composite Index sẽ giảm khoảng 15% từ mức hiện tại xuống 2.700 điểm.
Kể cả khi chính quyền Bắc Kinh thành công trong hỗ trợ chứng khoán, cái giá mà Trung Quốc phải trả là rất đắt. Theo Goldman Sachs, chính phủ nước này ước tính đã chi 236 tỷ USD để hỗ trợ chứng khoán trong 3 tháng qua.
Không dừng lại đó, hàng loạt những biện pháp can thiệp mạnh tay như cấm các cổ đông chiến lược bán cổ phần, hạn chế giao dịch ký quỹ, hoãn các đợt IPO của doanh nghiệp và cho phép các cổ phiếu tạm ngừng giao dịch nếu giảm quá 10% đã "đe dọa" nhà đầu tư. Hậu quả là dòng vốn rút khỏi thị trường ngày càng nhiều, giao dịch trên các sàn Thượng Hải, Thẩm Quyến đều không còn cao như trước. Tổng giá trị giao dịch của Shanghai Composite Index phiên 8/9 ở mức 43 tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 2/2015 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 212 tỷ USD tháng 6/2015.
Giám đốc đầu tư Bob Browne của Northern Trust nói rằng không có nhà đầu tư nào muốn sở hữu cổ phiếu mà biết là họ không thể bán lại trong tương lai.
Tồi tệ hơn, quyết định điều tra tình trạng đầu cơ của chính quyền Bắc Kinh đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Hiện hầu hết các chuyên gia đều cho rằng chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm tiếp. Nguyên nhân được đưa ra là kinh tế nước này đang giảm tốc, lạm phát bắt đầu tăng tốc còn giá sản xuất lại giảm mạnh, ngành xuất khẩu của nước này cũng tăng chậm lại.
Chiến lược gia Hao Hong của Bocom International nhận định thị trường kỳ hạn và giao dịch ký quỹ tại Trung Quốc đã gần như bị đóng cửa. Trong khi đó, các nhà môi giới không muốn vay thêm nên thanh khoản hầu như không có, hay nói theo cách khác, chính quyền Bắc Kinh đã gián tiếp đóng cửa thị trường chứng khoán.
Theo ông Hong, hiện vẫn chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho sự hồi phục của Trung Quốc nên không có lý do thực sự nào để các nhà đầu tư mua vào.