Các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang tiến dần tới nhất trí đề xuất của Nhật Bản. Theo đề xuất, TPP sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% GDP của toàn nhóm thông qua hiệp định, theo nguồn thạo tin.

Cũng theo đề xuất này, 6 nước phải bao gồm cả Mỹ và Nhật Bản để vượt qua ngưỡng 85% và phải thông qua hiệp định trong vòng 1 năm sau khi kết thúc đàm phán, nguồn tin cho biết. Khi đạt được ngưỡng đó, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực nhưng chỉ dành cho các nước đã thông qua.

Tuy nhiên, đề xuất của Nhật Bản cũng đưa ra một cơ chế mà theo đó hiệp định cũng có hiệu lực với các nước thông qua TPP ở đợt sau. Cụ thể, Ủy ban thương mại tại do TPP gồm các nước đã thông qua hiệp định sẽ quyết định khi nào hiệp định sẽ có hiệu lực cho các nước bổ sung ở đợt sau.

Nguồn tin cho biết, hiện chưa rõ Ủy ban thương mại tự do sẽ xác định thế nào việc một nước đã tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ trước khi được chấp thuận TPP có hiệu lực với nước đó hay không.

Nếu Ủy ban này có một quá trình đánh giá và phê chuẩn, thì rõ ràng đó sẽ là một động lực cho các nước để tham gia vào đợt phê chuẩn đầu tiên bởi họ sẽ không phải đáp ứng các điều kiện đối với những nước phê chuẩn sau.

Tuy nhiên, nguồn tin cho biết thêm, những điều khoản đánh giá theo đề xuất của Nhật Bản hoàn toàn biệt lập với các tiêu chuẩn đánh giá mà Mỹ đơn phương đưa ra. Theo đó, chỉ Tổng thống Mỹ mới có quyền quyết định TPP có hiệu lực đối với một quốc gia nào đó hay không dựa trên việc đánh giá nước đó đã thực hiện các biện pháp cần thiết để tuân thủ các điều khoản của hiệp định hay chưa.

Trong các hiệp định thương mại song phương, điều này giúp Mỹ đảm bảo được rằng quốc gia đối tác đó thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của FTA theo cách mà Mỹ có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, hiện chưa rõ, cơ chế này sẽ như thế nào trong các hiệp định đa phương như TPP. Giới phê bình cho rằng, điều này có thể khiến các đối tác thương mại FTA của Mỹ phải từ bỏ một số đặc quyền.

Trong một diễn biến liên quan khác, đến nay 12 nước tham gia đàm phán TPP vẫn chưa thống nhất nối lại đàm phán vào thời gian nào sau khi vòng đàm phán tại Hawaii cuối tháng 7 không đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Trả lời phỏng vấn báo chí bên lề chuyến làm việc với Cơ quan đại diện Thương mại Mỹ (USTR) tại Washington, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, cho biết, 3 vấn đề còn tồn đọng lớn nhất gồm mở cửa thị trường ô tô, mở cửa thị trường sữa và vấn đề sở hữu trí tuệ. Thứ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán song phương với tất cả các nước, trừ vấn đề dệt may và da giầy là các vấn đề đa phương.

Mặc dù khả năng nối lại đàm phán vào cuối tháng 8 là rất khó nhưng Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết các bên liên quan đang có các cuộc trao đổi ở cường độ rất cao.
Minh Phương
Theo ISO