Phát biểu tại một hội nghị hôm thứ Sáu, ông Schaeuble cho biết, nếu quan sát những gì đang diễn ra trên toàn cầu, với thanh khoản ngày càng tăng cao trên các thị trường tài chính, chúng ta đang tiến gần hơn đến bong bóng tiếp theo.

Ông đưa ra lời cảnh báo trên sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ mở rộng gói kích thích nếu cần thiết. Được biết, ECB chính thức áp dụng chương trình mua trái phiếu trị giá 1.1 ngàn tỷ EUR vào tháng 1 năm nay nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Eurozone. Chủ tịch ECB, Mario Draghi,  cho biết chương trình này có thể kéo dài sang năm 2016 nếu cần thiết.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Schaeuble lên tiếng cảnh báo về bong bóng tài chính nhưng lời cảnh báo này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp vào tuần tới để quyết định liệu có nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 10/2008 từ mức gần 0% như hiện nay hay không.

Ông Schaeuble nói: “Tôi cho rằng chúng ta nên rút ra bài học từ các cuộc khủng hoảng vừa qua”.

Ông cảnh báo các chính sách tiền tệ nới lỏng của ECB và Fed sẽ gây ra một số hậu quả nhất định. Được biết, cả hai ngân hàng này đều đã hạ lãi suất về các mức thấp lịch sử sau khủng hoảng tài chính và tiếp tục duy trì cho đến nay nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Tuy nhiên, lãi suất thấp đã khuyến khích nhà đầu tư và doanh nghiệp đổ tiền vào thị trường chứng khoán cũng như các tài sản rủi ro khác.

Ông nói: “Chúng tôi nhận thấy - và các Bộ trưởng Tài chính cũng như thống đốc NHTW đều đồng ý rằng – chính sách tiền tệ không thể giải quyết được những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải”. Ông nhấn mạnh nhiều quốc gia cũng cần phải đẩy mạnh các biện pháp cải cách cơ cấu khó khăn hơn.

Nhiều tổ chức danh tiếng, trong đó có Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đang hối thúc Fed chưa nên nâng lãi suất vào tuần tới.

Dù ông Schaeuble không nhận định chi tiết về các động thái của Fed tại cuộc họp sắp tới vào 2 ngày 16-17/09 nhưng dường như nhận định của ông cho thấy ông ủng hộ việc nâng lãi suất dù sớm hay muộn.

Cùng thời điểm với nhận định của Bộ trưởng Tài chính Đức, nhà quản lý quỹ đầu cơ nổi tiếng David Tepper cũng đề cập đến khả năng chính sách tiền tệ sẽ ít thông thoáng hơn trong thời gian tới. Tepper cho biết hiện ông không được lạc quan về chứng khoán.

Nguyên nhân mà ông đưa ra là do lợi nhuận doanh nghiệp thấp hơn và một thực tế mang tính toàn cầu là dòng tiền không thể tiếp tục chảy vào các thị trường tài chính như trước đây. Theo ông, kỷ nguyên lãi suất thấp trên toàn thế giới và chính sách nới lỏng định lượng của các NHTW sẽ sớm chấm dứt.
Theo Phước Phạm (Theo CNN Money)
Vietstock

Nguồn: Vietstock