Đầu tháng 9, báo chí rộ lên thông tin các hãng taxi truyền thống ở Việt Nam phải đầu tư lớn cho những ứng dụng công nghệ số gọi taxi. Tức là cách vận hành taxi tương tự như các mô hình vận tải kiểu mới, đi đầu là Uber và Grab Taxi. Nó cho thấy một xu hướng không thể chối cãi rằng, dịch vụ taxi mới đã và đang chiếm lĩnh thị trường với nhiều cải tiến.
Thế nhưng, trước khi những hãng xe Việt Nam làm điều này, ở Mỹ đã xảy ra những cuộc "lật đổ” trong ngành taxi. Uber - mô hình kinh doanh tiết kiệm - đã biến thành kẻ "thủ ác" số 1...
Huyền thoại về "Vua Taxi"
Rene Freidman, 44 tuổi, được mệnh danh là "Vua Taxi" tại thành phố New York, xứng đáng là nhân vật điển hình cho thất bại cay đắng của những chiếc taxi truyền thống trước Uber.
Vào năm 1996, Rene tiếp quản đội taxi hơn 50 chiếc của cha mình - ông Naum Freidman - và nhanh chóng phát triển, trở thành "nhân vật đình đám nhất" trong lĩnh vực taxi tại New York.
Hiện tại, số lượng taxi do ông kiểm soát vẫn còn đến 860 chiếc trên khắp New York (theo lời Freidman, thực tế ông đang có hơn 1.100 chiếc), chưa kể hàng trăm chiếc ở Chicago, New Orleans và Philadelphia.
Freidman làm ra tiền bằng việc cho người hành nghề taxi tự do thuê taxi. Lý do khiến Freidman sở hữu khoản tài sản kếch sù nằm ở chỗ người Mỹ không thể tự đăng ký nghề taxi mà phải có một tấm huy hiệu do Ủy ban Taxi và Limousine (TLC) cấp. Mỗi người muốn sở hữu một chiếc taxi đều phải chi tiền mua tấm huy hiệu này. Vào năm 1947, nó có giá 2.500 USD và đến năm 2013, đỉnh điểm một tấm huy hiệu có giá tới 1,32 triệu USD.
Trên hành trình trở thành "ông trùm" taxi của nước Mỹ (theo đánh giá của Bloomberg), Freidman đã thâu tóm những tấm huy hiệu ấy và góp phần không nhỏ khiến giá huy hiệu đội lên ngất ngưởng.
Sự trỗi dậy của Uber
Uber là thương hiệu kinh doanh vận tải dựa trên nền tảng ứng dụng điện thoại kết nối hành khách và tài xế. Mô hình Uber hiện nay đang được đánh giá là thương hiệu khởi nghiệp hàng đầu thế giới với giá trị niêm yết lên tới 50 tỷ USD.
Trong quá trình phát triển, Uber đã "tấn công" thị trường taxi tại New York vào năm 2011. Chỉ vài năm sau, công ty này đã mở rộng tầm ảnh hưởng theo cách "không thể tin nổi".
Trong một bài viết ngày 23/7 vừa qua, Bloomberg cho biết hiện ở New York có 13.637 chiếc taxi (tức có huy hiệu chứng nhận). Trong khi đó Uber không thuộc loại hình này, dù cũng phải đăng ký giấy phép với TLC, có tới 19.000 chiếc. Với riêng lĩnh vực đăng ký qua ứng dụng điện thoại, Uber chiếm lĩnh tới 90% thị trường taxi New York.
Thông điệp nguy hiểm cho "ông trùm" taxi
Khi một thế lực nổi lên mạnh mẽ, đồng nghĩa những thế lực cũ phải đối diện nguy cơ mất phần, mất quyền lực và tất nhiên, mất tiền.
Thị phần người sử dụng taxi của Freidman đã giảm cùng với sự gia tăng của Uber. Từ tháng 6/2013 đến tháng 6/2015, số lượng khách đi Uber hằng tháng tăng 3,5 triệu lượt. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống giảm cùng thời gian ấy từ 14 triệu lượt xuống còn 12 triệu, theo Bloomberg. Quan trọng hơn, một số lượng lớn người thuê xe taxi của Freidman đã chuyển sang... lái cho Uber.
Bloomberg cho biết, số người này đã rao bán huy hiệu chứng nhận của họ chỉ với giá 650.000 USD để tham gia Uber và lái với mức giá rẻ hơn. Kể từ mốc 1,32 triệu USD năm 2013, hiện nay TLC cho biết giá thị trường của những tấm huy hiệu ấy chỉ còn khoảng 750.000 USD.
Việc mất thị phần đã khiến 22 công ty do Freidman sở hữu nộp đơn xin phá sản. Thêm vào đó, khi lượng huy hiệu đăng ký xuống giá, nó đã khiến tài sản của ông trùm taxi này bị giảm giá trị ròng.
Hồi tháng 3 năm nay, Freidman đã phải chấp nhận thanh toán 90 huy hiệu chứng nhận cho Citibank với giá chỉ 31,5 triệu USD.
Trong bài phỏng vấn đăng ngày 27/8, ông Freidman đã xuất hiện với hình ảnh đơn giản hơn chính ông trước đây rất nhiều. Những buổi ăn sáng an lành, một cuộc sống tại Park Avenue và những chiếc Ferrari vẫn là những thứ Freidman còn lưu giữ.
Tuy nhiên, một dấu hiệu không nhỏ của thất bại đang đợi chờ ông cũng như các doanh nghiệp taxi truyền thống nói chung, xuất phát từ một ứng dụng trên smartphone!
Theo Giang Lang
Doanh nhân Sài Gòn