Trong khi Tokyo vẫn chưa thể quên nỗi đau đã để Bắc Kinh qua mặt trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thì Washington lại đang phải “đau đầu để giữ vững ngôi vương” cũng như sức ảnh hưởng trước Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, thỏa thuận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được giữa 12 quốc gia tham gia hôm 5/10 là một “nước cờ đôi” để hai nước Mỹ và Nhật Bản vừa ổn định tình hình kinh tế-chính trị trong nước, vừa tạo thế đối trọng lại với Trung Quốc.

Ước vọng và thách thức

TPP được hình thành là để phục vụ phát triển kinh tế. Là văn kiện thương mại lớn nhất trong lịch sử, hiệp định này được kỳ vọng sẽ hạ giảm hàng rào thuế quan, dỡ bỏ những hạn chế về đầu tư nước ngoài và tăng cường sự minh bạch về pháp lý giữa 12 nước thành viên hiện chiếm đến 40% nền kinh tế thế giới với tổng sản lượng gần 30.000 tỷ USD. Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, việc thực thi TPP sẽ là bước đột phá quan trọng trong hoạt động thương mại toàn cầu đang đình trệ, giúp Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới tăng gần 300 tỷ USD mỗi năm.

Với ý nghĩa kinh tế to lớn như vậy, cũng là điều dễ hiểu khi không ít người cho rằng động cơ thật sự đằng sau TPP của các quốc gia tham gia đàm phán, đặc biệt là hai “ông lớn” Mỹ-Nhật, ngoài vai trò kinh tế thì địa chính trị cũng là yếu tố quan trọng không kém. Đối với Washington, TPP được coi là trụ cột trong chính sách xoay trục sang châu Á để kiềm chế ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực, đồng thời là động lực để Mỹ gia tăng sự tiếp cận tại khu vực Đông Nam Á - một trong số ít những thị trường năng động nhất thế giới.

Hiện nay, việc Bắc Kinh đang từng bước thực hiện một mô hình mở cửa “vững chắc, rộng rãi và toàn diện” với một loạt sáng kiến mang tính đối trọng mà không có sự góp mặt của Mỹ như “Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện khu vực” (RCEP), Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và dự án “Một vành đai, Một con đường” đang đặt Washington vào thế như “ngồi trên lửa.” Chính quyền Tổng thống Barack Obama hiểu rõ rằng để tiếp tục duy trì vị thế tại châu Á thì Washington không thể chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà cần phải gia tăng sự hiện diện về mặt thương mại trong khu vực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh: “Khi hơn 95% khách hàng tiềm năng của chúng ta sống ở ngoài biên giới thì chúng ta không thể để những nước như Trung Quốc định ra luật lệ kinh tế toàn cầu. Chúng ta nên viết ra những quy định của riêng mình, nhằm mở cửa các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời định ra các tiêu chuẩn cao để bảo vệ người lao động và gìn giữ môi trường. Thỏa thuận vừa đạt được ở Atlanta sẽ thỏa mãn những điều này."

Ngoài ra, trong bối cảnh vòng đàm phán thương mại toàn cầu được khởi động ở Doha năm 2001 đến nay vẫn bế tắc, TPP được đánh giá sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về tự do hóa thương mại trên toàn cầu. Washington có thể coi hiệp định này như một bệ phóng cho những thỏa thuận kinh tế vĩ mô khác như Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) - hiệp định bao gồm khối các nước (Liên minh châu Âu và Mỹ) chiếm 50% GDP và 1/3 giá trị thương mại toàn cầu, một trong những “cơ hội vàng” để giúp châu Âu phát triển trong giai đoạn trung và dài hạn.

Tuy vậy, đối với chính quyền Tổng thống Obama, mặc dù đàm phán về TPP đã “cán đích” song thách thức thật sự vẫn còn đó. Dư luận Mỹ đang chào đón TPP một cách thận trọng, với những người chỉ trích TPP cho rằng hiệp định này sẽ gây tổn thương cho người tiêu dùng và thị trường việc làm Mỹ. Do đó, nếu sau 90 ngày xem xét, Quốc hội Mỹ nói “không” với TPP thì đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào chính sách xoay trục của ông Obama. Khi đó, những hoài nghi về sức mạnh của Washington sẽ một lần nữa trỗi dậy và chính sách mang tính biểu tượng của Mỹ trong việc duy trì “thế thượng phong” tại khu vực kinh tế năng động bậc nhất thế giới sẽ quay về vạch xuất phát.

Lợi ích lớn

Tình hình phức tạp trong nội bộ nước Mỹ cũng là một trong những nguyên nhân khiến Washington quyết tâm đạt được TPP trong năm nay. Thượng viện Mỹ ngày 24/6 đã thông qua dự luật về Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA). Đây là một dự luật cho phép Tổng thống có “quyền đàm phán nhanh” trong các hiệp định thương mại quốc tế quan trọng, điển hình là TPP. Trước khi thỏa thuận TPP được hoàn tất tại Atlanta, tâm lý chung của giới chính trị gia ở Washington DC là mong muốn kết thúc mọi việc liên quan đến hiệp định này ngay trong năm nay vì không một ai muốn TPP trở thành đề tài của kỳ bầu cử tháng 11/2016 tới.

Trong khi đó, TPA chỉ có hiệu lực đến năm 2018 và mặc dù có thể được gia hạn đến năm 2021 song nếu không thể kết thúc TPP trong năm nay thì gần như điều đó có nghĩa rằng sẽ không có gì thúc đẩy việc khởi động lại đàm phán trước năm 2018 vì suốt năm 2016 sẽ là năm bầu cử Quốc hội và Tổng thống Mỹ. Sau đó còn phải chờ đến đầu năm 2017 để tân Tổng thống nhậm chức và Nội các mới chấp chính, rồi Thượng viện chuẩn thuận tân Bộ trưởng Thương mại chịu trách nhiệm đàm phán TPP. Đó là chưa kể đến vị tân Tổng thống Mỹ có còn mặn mà với một chính sách mà được coi như là di sản của vị tiền nhiệm - Tổng thống Obama, hay không.

Bên cạnh Mỹ thì đối với Nhật Bản, ý nghĩa chính trị trong nước cũng luôn song hành cùng vai trò kinh tế trong quyết định tiến tới TPP. Tại đây, TPP sẽ giúp dẹp tan những nghi ngờ trong nước về chương trình phục hồi tăng trưởng mang tên “Abenomics” mà Thủ tướng Shinzo Abe thực hiện kể từ khi ông lên nắm quyền điều hành đất nước từ năm 2012 và là “chất xúc tác” cho những nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Trong bối cảnh kinh tế Nhật tăng trưởng âm 1,6% trong quý 2/2015, rõ ràng chính quyền Thủ tướng Abe đang rất cần TPP.

Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP họp báo chung. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, TPP cũng được dự đoán sẽ giúp Tokyo đẩy nhanh các tiến trình đàm phán thương mại khác của nước này. Nhật Bản hiện đang đàm phán với EU về hiệp định đối tác kinh tế. Một khi TPP có hiệu lực, thuế giữa các nước thành viên sẽ được dỡ bõ hoặc giảm mạnh, trong đó có cả Mỹ và Nhật Bản. Trong lúc vì EU không tham gia TPP nên thuế đánh vào các sản phẩm xuất khẩu từ EU sang Mỹ và Nhật Bản sẽ vẫn ở mức cao, đây chính là động cơ để EU phải đẩy nhanh việc hoàn tất đàm phán với Nhật Bản.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi TPP được ký kết, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh TPP là “sáng kiến vĩ đại tạo ra một khu vực kinh tế tự do và bình đẳng giữa các nước có cùng chung giá trị, không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho nước Nhật mà còn cho tất cả những thành viên trong hiệp định”.

Về cơ bản, phía sau TPP là thỏa thuận thương mại tự do giữa nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ) và lớn thứ ba thế giới (Nhật Bản). Trong khi đó, nếu nhìn vào bản đồ thế giới thì 12 quốc gia thành viên TPP sẽ tạo thành một vành đai bao quanh khu vực Thái Bình Dương. Tất nhiên việc triển khai TPP sẽ không chỉ giúp thắt chặt hơn nữa quan hệ Mỹ-Nhật mà còn gắn kết những đối tác mới như Việt Nam với các nước trong khu vực. Song song với lợi ích đối nội, đàm phán TPP hoàn tất cũng đem lại những tác động tích cực cho hoạt động đối ngoại của Nhật Bản, giúp tăng cường vai trò của Mỹ và Nhật Bản tại châu Á-Thái Bình Dương, nhất là sau khi Trung Quốc thành lập AIIB với mục tiêu lôi kéo các nước trong khu vực vào một thể chế kinh tế đa phương do Bắc Kinh chi phối.

TPP được đánh giá là sẽ giúp kiềm chế các động thái của Trung Quốc nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực này. Cùng với luật an ninh và TPP, quan hệ Mỹ-Nhật được đánh giá đã trở nên bền chặt trên cả lĩnh vực kinh tế và quốc phòng./.

Theo Phương Nga
Vietnam+

Nguồn: Vietnam+