Hơn 1 thế kỷ trước, người ta từng sửng sốt với du thuyền Titanic không chỉ bởi vì nó quá lớn mà còn là sự xa hoa tột bật vào thời bấy giờ. Chỉ tiếc, Titanic lại đoản mệnh khi bị đắm giữa lòng đại dương trong một thảm họa mà lịch sử sẽ còn nhắc đến, chứ không chỉ nhờ vào bộ phim cùng tên.
Nhưng, thảm họa của Titanic chưa bao giờ đủ sức ngăn nhân loại tiếp tục phát triển những siêu du thuyền xa hoa, to lớn. Bằng chứng là nhiều chiếc du thuyền đình đám khác ra đời như: Queen Mary, Queen Mary 2... và sắp tới là Seven Seas Navigator.
Lớn chưa từng có
Thế nhưng, những tên tuổi kể trên sẽ chẳng là gì nếu như chiếc Freedom Ship hoàn thiện. Đây là dự án được thiết kế bởi Công ty Freedom Ship International.
Phía đuôi siêu du thuyền là một bến cảng thực sự - Ảnh: Daily Mail
Chiều dài 270 m của Titanic hay 345 m của Queen Mary 2 chẳng là gì so với mức 1.370 m của Freedom Ship mà nhà Công ty Freedom Ship International đưa ra, theo trang mạng của công ty này. Để dễ hình dung hơn, du thuyền này dài khoảng 4 lần so với hàng không mẫu hạm lớp Ford mà Mỹ đang phát triển.
Freedom Ship không đơn giản là một du thuyền mà thực tế nó chính là một thành phố di động trên biển, bởi nó là một tổ hợp công trình cao 25 tầng, với bề ngang khoảng 225 m. Nhờ đó, nó đủ sức chứa 50.000 cư dân sống thường xuyên trên tàu.
Thành phố du lịch di động
Chiếc du thuyền này mang thiết kế tựa như tàu sân bay thế hệ đầu tiên cách đây khoảng 1 thế kỷ, khi sở hữu một sân bay siêu rộng ở sân thượng.
Tuy nhiên, chính nhờ việc tận dụng sân thượng như thế, nên sân bay của Freedom Ship không chỉ dùng để cất hạ cánh cho máy bay trực thăng như hầu hết du thuyền hiện nay, mà còn đáp ứng cả dòng phản lực chở khách với khoảng 40 chỗ ngồi.
Nhờ đó, Freedom Ship tự hào là có cả một sân bay tương đương các thành phố nhỏ trên đất liền. Với sân bay trên nóc du thuyền, việc du khách ghé thăm hay rời khỏi nơi này trở nên rất dễ dàng.
Bên cạnh đó, phía đuôi tàu còn được thiết kế như một bến cảng cỡ nhỏ khi có thể neo đậu hàng chục chiếc thuyền khác, để Freedom Ship đóng vai trò như một mẫu hạm. Hạ tầng bến cảng, sân bay như thế hoàn toàn phù hợp với tham vọng không chỉ là nơi trú ngụ cho cư dân thường trú mà mỗi ngày còn có thể đón 30.000 du khách viếng thăm, đủ số phòng phục vụ cho 10.000 khách vãng lai tá túc qua đêm.
Tất nhiên, để đáp ứng nhu cầu cho bấy nhiêu con người, Freedom Ship cũng phải trang bị hạ tầng tương xứng một thành phố nhỏ. Theo kế hoạch, nó không chỉ có phòng ốc nghỉ ngơi mà còn có cả một trung tâm dùng để làm việc.
Kèm theo đó, Freedom Ship còn có cả một trường học để những gia đình giàu có muốn sống lâu dài trên biển với tiện nghi hàng đầu. Trung tâm mua sắm, nhà hàng, sòng bạc đều có cả. Thậm chí, nó có cả một trung tâm triển lãm hội họa.
Đặc biệt, Freedom Ship còn được thiết kế một bệnh viện hiện đại với chi phí đầu tư cho phần này ước tính lên đến 400 triệu USD. Mức đầu tư như vậy ngang ngửa với một bệnh viện hiện đại của nhiều nước phát triển. Với tất cả những gì vừa nêu, tổng chi phí lên đến 10 tỉ USD cũng là điều dễ hiểu.
Để vận hành một tổ hợp hạ tầng hoành tráng như thế thật không hề đơn giản. Cho nên, theo dự án đề ra, Freedom Ship cần đến 20.000 người làm việc để vận hành tàu. Tất nhiên, để siêu du thuyền này thường xuyên di chuyển cũng không phải đơn giản.
Có lẽ vì thế mà Freedom Ship nếu được hoàn thiện thì dành đến 70% neo đậu cố định. Mọi thứ đã sẵn sàng, khó khăn nhất vẫn chỉ là việc huy động khoản đầu tư 10 tỉ USD (hơn 220.000 tỉ đồng).
Theo Hoàng Đình
Thanh Niên