Mark Zuckerberg đã đặt cược 2 tỷ USD vào chiếc kính thực tế ảo với tên gọi Oculus Rift, sản phẩm thai nghén của chàng trai 22 tuổi Palmer Luckey, người đã bán công ty của mình cho Facebook. Và với sự chuẩn bị ra mắt kính Rift của Oculus, thì thị trường và cạnh tranh trong lĩnh vực kính thực tế ảo đang nóng lên từng ngày.

Lần đầu tiên Mark Zuckerberg thử nghiệm bộ kính thực tế ảo trông còn kỳ dị này thì anh đã biết – Đây chính là tương lai.

Nhìn bên ngoài, chiếc Oculus Rift không giống những chiếc kính trên thị trường hiện nay: một chiếc hộp đen kín, gần bằng kích thước một viên gạch và khi đeo lên như chiếc kính trượt tuyết khổng lồ cần kẹp chặt bằng một mớ dây đeo quanh đầu.

Kính của Oculus nhìn như kính của tương lai, dù nó không đẹp như ước muốn của những cô cậu thanh niên theo kiểu phim viễn tưởng; đây chính xác là thiết bị thực tế ảo tuyệt nhất từ trước đến nay.

Người sáng tạo ra Rift, Palmer Luckey, đã bắt đầu xây dựng những nguyên mẫu của kính thực tế ảo từ khi 17 tuổi trong gara của bố mẹ tại Long Beach, California. Khi đó anh đã đưa dự án cá nhân của mình lên nền tảng tài trợ vốn cộng đồng nổi tiếng Kickstarter; và thật đáng kinh ngạc là anh đã kêu gọi được 2.4 triệu USD vốn, và sau đó là từ Sillicon Valley. Và giờ, chỉ 4 năm sau đó, anh đang ngồi cùng một trong những người đàn ông quyền lực nhất trong giới công nghệ.

Khi đó, dù Zuckerberg đang trong văn phòng cùng với Giám đốc Vận hành (COO) Sheryl Sandberg nhưng với màn hình ngay trước mắt, mọi cảm giác của anh đã hoàn toàn khác lạ.

Zuckerberg không còn đứng ở văn phòng của Sandberg nữa, mà anh đang ở trong một vũ trụ hoàn toàn khác. Nơi anh đang đứng có một lâu đài trên núi với những bông tuyết lấp lánh rơi xung quanh. Bất cứ nơi nào anh nhìn hay đi thì khung cảnh như di chuyển theo. Đột nhiên, anh đang đứng ngay rìa đá nơi dòng dung nham núi lửa phun lên mãnh liệt. Và khi bỏ chiếc thực tế ảo ra, Zuckerberg đã thốt lên “Wow. Thật tuyệt vời”.

Đó là câu chuyện của tháng 01 năm 2014, và khi CEO Facebook đang chuẩn bị nhiều dấu mốc quan trọng: kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Facebook và chúc mừng sinh nhật tuổi 30 của mình.

Trong nhiều năm qua, Zuckerberg đã dồn hết tâm sức cho sự phát triển vượt bậc của Facebook. Và với sự giúp đỡ của Sandberg, anh đã thành công trong việc biến Facebook trở thành nền tảng giao tiếp mà hàng triệu người về cơ bản mở suốt ngày đêm.

Zuckerberg đã từng nói: “Khi là sinh viên thì bạn sẽ giới hạn phạm vi sản phẩm của mình như kiểu ‘Tôi sẽ xây dựng điều này cho những người xung quanh tôi’. Nhưng rồi điều đó trở thành ‘Tôi sẽ xây dựng dịch vụ này cho toàn thể mọi người trên Internet". Và đến một thời điểm sản phẩm của bạn sẽ đạt đến quy mô mà có thể giải quyết những vấn đề lớn và giúp định hình thế giới trong những thập kỷ tiếp theo.”

Kính thực tế ảo – Thiết bị của tương lai?


Sau đó, Zuckerberg đã suy nghĩ về chuyện đâu là nền tảng tuyệt vời tiếp theo? Sau những chiếc Smartphone thì sẽ là thứ gì? Và anh tin rằng những câu trả lời nằm ở những chiếc kính cung cấp những trải nghiệm 3-D tuyệt vời; không chỉ đơn thuần ở lĩnh vực phim ảnh hay truyền hình mà đây có thể là giải pháp của tương lai cho các trò chơi, lớp học hay những cuộc họp trong doanh nghiệp.

Những chiếc kính thậm chí có thể quét sóng não chúng ta, rồi truyền tải suy nghĩ của mình cho bạn bè như cách chúng ta đang chia sẻ những bức hình hàng ngày trên Facebook. Zuckerberg cho biết: “Cuối cùng, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có công nghệ giúp truyền tải đầy xúc cảm với ai đó chỉ bằng suy nghĩ.”

Nghe có vẻ điên rồ, nhưng Zuckerberg đã không nói đùa: “Có những điều sẽ xảy ra trong tương lai mà bạn biết chắc. Thách thức thực sự nằm ở việc tìm ra cách hiện thực hóa ngay hiện tại và làm cách nào để bắt tay vào làm.”

Và giờ có vẻ Zuckerberg đã hiện thực hóa mong ước của mình: đó chính là kính Oculus Rift, sẽ được Facebook giao hàng cho khách mua vào đầu năm tới. Đây không phải là chiếc kính thực tế ảo đầu tiên tung ra thị trường, nhưng với giá vào khoảng 1.500 USD cho toàn bộ thiết bị và máy tính để chạy thiết bị, thì có vẻ nhưng nó sẽ là sản phẩm vừa đủ phức tạp nhưng giá không quá đắt. Và đó cũng là chiếc kính đầu tiên không dành cho người dễ bị “say tàu xe”.

Thị trường kính thực tế ảo nóng lên từng ngày

Vào tháng 3 năm 2014, Zuckerberg đã thông báo rằng anh đã mua lại Oculus VR với giá hơn 2 tỷ USD; và ngay sau đó vài tháng thì đối thủ lớn nhất của Facebook, Google đã chào bán những mẫu kính thực tế ảo giá rẻ - Google Cardboard, thiết bị sử dụng bìa carton, kết hợp với màn hình Smartphone với giá chỉ vài USD mà cánh báo chí gọi đó là “Oculus tiết kiệm”. Còn hai nhà sản xuất thiết bị chơi game lớn nhất thế giới – Sony và Microsoft – cũng đang chuẩn bị cho ra mắt kính thực tế ảo của mình vào năm sau.

Có lẽ đáng kể nhất phải kể đến đại gia Google cùng những nhà đầu tư khác đang đổ khoảng 542 triệu USD vào Magic Leap, một công ty mật tại South Florida được điều hành bởi một thiên tài lập dị ở tuổi 44, Rony Abovitz.

Công ty này sẽ còn khá lâu nữa mới có thể ra mắt sản phẩm của mình, nhưng sẽ có nhiều điểm thú vị hơn Oculus Rift vì nó hứa hẹn sẽ sử dụng “thực tế tăng cường” (AR) – tạo hình ảnh ba chiều chồng lên tầm nhìn của bạn thay vì là một thực tế ảo khác. “Thật điên cuồng” là những gì mà Thomas Tull, CEO của hãng phim nổi tiếng Legendary Entertainment thốt lên khi thể hiện sự hào hứng của mình dưới vai trò là một nhà đầu tư của Magic Leap.

Tull cũng tự hào là nhà đầu tư của Oculus, và tin tưởng vào những thay đổi mà thực tế ảo mang đến trong tương lai, không quan trọng ai thắng nhưng đó sẽ là một bước đột phá như những gì HDTV và phim 3-D đã lập được trong quá khứ. Ông nói: “Khi bạn trải nghiệm một thực tế ảo hoàn thiện, bạn sẽ phải bỏ kính ra và nói ‘Có quá nhiều cơ hội làm những điều hoàn toàn khác biệt”.

Liệu người dùng có mua những chiếc kính kiểu này hay không khi họ vừa thất vọng với chiếc Google Glass năm qua? Hollywood và Sillicon Valley có vẻ như chẳng buồn nghĩ đó là câu hỏi nữa không. Vì cuộc đua đã bắt đầu.

Nguồn: CafeBiz/Trí Thức Trẻ