Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đã đạt được thỏa thuận vào ngày 5/10 tại Atlanta, Mỹ. Chắc chắn, TPP sẽ tác động không nhỏ tới toàn bộ nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Tìm hiểu về những tác động này, Vinanet đã có cuộc phỏng vấn với bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam.
PV: Savills Việt Nam đánh giá thế nào về tác động của Hiệp định TPP tới thị trường bất động sản Việt Nam trong thời điểm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, thưa bà?
Bà Đỗ Thu Hằng: TPP vừa mới được thông qua vào ngày 5/10, toàn bộ nền kinh tế và thị trường bất động sản đều đang kỳ vọng TPP sẽ tạo những cú hích tăng trưởng. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn hạn, chúng tôi cho rằng TPP sẽ chưa thể tác động ngay đến bất động sản Việt Nam bởi còn nhiều thủ tục phải thông qua, cùng với những sự điều chỉnh chính sách chi tiết và phức tạp. Tuy nhiên về trung hạn và dài hạn, TPP sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
|
Bà Đỗ Thu Hằng - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills |
PV: Theo bà, những phân khúc nào sẽ chịu tác động nhiều nhất từ TPP?
Bà Đỗ Thu Hằng: Có thể nhận định rằng mọi phân khúc đều có sự tác động do nguồn cung tăng mạnh với sự xuất hiện của các yếu tố nước ngoài.
Lĩnh vực khu công nghiệp sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường Việt Nam. Tiếp đến là phân khúc căn hộ dịch vụ, bởi khi doanh nghiệp nước ngoài đặt chân đến Việt Nam và làm việc lâu dài, họ sẽ có nhu cầu thuê căn hộ.
Phân khúc văn phòng chắc chắn cũng chịu tác động bởi sự gia tăng của các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam. Một phân khúc khác cũng đáng được chú ý là thị trường mặt bằng bán lẻ. Bởi lẽ TPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đồng nghĩa với việc các quốc gia trong Hiệp định cũng đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng hiện diện tại thị trường tiêu dùng Việt Nam.
Cuối cùng là thị trường căn hộ để bán sẽ nhận được những tín hiệu tích cực. Khi các doanh nghiệp xác định hoạt động lâu dài ở Việt Nam, thay vì thuê một căn hộ dịch vụ trong 10 năm, số tiền đó họ có thể dùng để chi trả cho một sản phẩm bất động sản.
PV: Cơ hội là rất lớn, nhưng những thách thức nào đang chờ đợi bất động sản Việt Nam trên con đường TPP, thưa bà?
Bà Đỗ Thu Hằng: Tất nhiên không thể chỉ có hưởng lợi mà chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh. Thậm chí là cạnh tranh khốc liệt hơn nữa giữa nhà đầu tư trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế những nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào bất động sản Việt Nam rất mạnh và khi thấy cơ hội sinh lời, họ sẽ tiếp tục đầu tư.
Mặt khác, Bộ Luật kinh doanh Bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi được áp dụng từ 1/7/2015 đã rất cởi mở, tạo nhiều cơ hội với khách hàng là người nước ngoài. Tuy nhiên thực tế người nước ngoài có mong muốn mua hoặc đầu tư bất động sản ở Việt Nam vẫn đang trong tình trạng chờ đợi.
Nguyên nhân do hai Bộ luật chưa hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cần thiết. Ta đã có văn bản hướng dẫn việc đưa tiền đầu tư vào Việt Nam như thế nào, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể sau khi đầu tư, họ đưa tiền ra khỏi Việt Nam ra sao.
Có thể khẳng định rằng trong thời gian ngắn, TPP sẽ chưa có tác động tới thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng trong dài hạn chắc chắn sẽ có lợi.
Xin chân thành cám ơn bà!
Minh Tú