Ăn theo mác “dầu khí”
Năm 2009, nếu đi ngang qua tòa nhà CT5 Khu đô thị mới Mỹ Đình - Sông Đà, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy tới 4-5 công ty bất động sản gắn liền với chữ dầu khí ở khu vực này.
Ngay tầng một là Công ty Cổ phần Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Land) được thành lập tháng 9/2007, với số vốn điều lệ là 500 tỷ đồng.
“PVFC Land được sự hậu thuẫn chắc chắn từ phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và các đơn vị khác trong ngành Dầu khí. Đồng thời được sự hậu thuẫn của công ty cổ phần Đầu tư Song Kim và Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long là các cổ đông sáng lập của công ty”, theo giới thiệu của đơn vị này trên một website.
Cùng tòa nhà này còn có Công ty BĐS Điện lực Dầu khí (PVL). PVL có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, đầu tư vào nhiều dự án như Petrovietnam Land Mark (Quận 2, TP.HCM), chung cư Linh Tây (TP.HCM), dự án nhà ở tại xã Lê Minh Xuân (TP.HCM), dự án khu dân cư xã Phước Khánh (Đồng Nai), Tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza, Trung tâm thương mại và Khách sạn Quỳnh Lưu Plaza, Dự án Khu du lịch sinh thái Lại Thượng,Thạch Thất - Hà Nội (198ha),...
2010 là năm chứng kiến sự đổ bộ lên sàn của hàng loạt nghiệp đầu tư bất động sản mang tên "Dầu khí" như CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), CTCP Hồng Hà Dầu khí (PHH), CTCP Đầu tư thương mại Dầu khí Sông Đà (SDP), Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Nghệ An (PVA),... Chỉ tính riêng PVX có 16 công ty thành viên, trong đó có 5 công ty thực hiện kinh doanh BĐS.
Đua nhau thoái vốn
Đầu tư quá nhiều và thị trường BĐS đóng băng chính là nguyên nhân chính khiến hầu hết doanh nghiệp BĐS họ dầu khí lao đao.
Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) là công ty mẹ đồng thời là đối tác của nhiều công ty có họ “dầu khí”, nhưng đầu tư BĐS năm 2012 lỗ to nhất trên cả 2 sàn chứng khoán, lên tới 1.368 tỷ đồng. Cuối cùng, PVN phải bơm vốn liên tục cho PVX, nâng tỷ lệ sở hữu lên 54,55% với tổng số vốn 2.181 tỷ đồng vào cuối 2012.
|
Dự án mắc cạn của PLV và PVC Land |
Một đòn chí mạng khiến các công ty này lao đao là yêu cầu dầu khí phải thoái vốn khỏi BĐS. Theo chỉ đạo của PVN, những đơn vị hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc có dự án bất động sản, vốn góp vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã và đang thực hiện chuyển nhượng lại các dự án hoặc các khoản đầu tư tài chính. PVN đã yêu cầu các đơn vị phải thay đổi tên gọi hoặc chấm dứt sử dụng thương hiệu của tập đoàn (sau khi tái cấu trúc), nếu không còn vốn góp hoặc còn một tỷ lệ nhỏ.
Sau 2 năm thua lỗ liên tiếp, Xây lắp dầu khí đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc khi 6 tháng đầu năm 2014 lỗ thêm 355 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai quý sau đó, PVX đều có lãi.
Trong khi đó, Công ty cổ phần BĐS xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC Land) từng tuyên bố cắt lỗ tại dự án chung cư Petrolandmark, quận 2 (TP.HCM), dự kiến lỗ khoảng 70 tỷ đồng. Ngoài dự án này, công ty cắt lỗ liên tục các dự án khác, kể cả bán tài sản,... dẫn đến “cụt” vốn trên 195 tỷ đồng.
Còn Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) rơi vào diện kiểm soát từ 27/5/2014 do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm 2012 và 2013 tại báo cáo tài chính hợp nhất là số âm. Riêng kết quả hoạt động kinh doanh của PVL năm 2012 âm 26 tỷ đồng, năm 2013 âm 187 tỷ đồng. Hai quý đầu năm 2014, PVL lỗ thêm 8,8 tỷ đồng, nhưng hai quý cuối năm đã có lãi.
Sang quý I/2015 tiếp tục ghi nhận nhiều cái tên thua lỗ. Doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất là Đầu tư hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL) với mức lỗ lên đến 15 tỷ đồng. Ngay quý trước đó, PTL đã có lợi nhuận 16 tỷ đồng nhưng lợi nhuận cả năm 2014 chỉ ở mức tượng trưng gần 3 tỷ đồng. Trước đó năm 2013, PTL đã thua lỗ tới 137 tỷ đồng.