Tại Hội thảo Lúa gạo Thái Lan với chủ đề “Triển vọng Thương mại Gạo Thế giới” diễn ra tại Bangkok, Giám đốc điều hành của Rice Trader, Jeremy Zwinger ngày 29/5 cho biết nguồn cung gạo toàn cầu đang bị thắt chặt, kể cả lượng gạo tồn trữ từ nhiều năm của Chính phủ Thái Lan cũng đã giảm nhiều, do vậy giá gạo sẽ còn tăng hơn nữa. Nhiều chuyên gia khác cũng có chung nhận định với ông Zwinger.
Theo ông, nhu cầu từ các thị trường Trung Quốc, châu Phi và Philippines sẽ tiếp tục gia tăng. “Chúng tôi nhận thấy thị trường gạo đang từ chỗ người mua “cầm chịch” chuyển sang người bán điều khiển. Sức mạnh đã lại quay trở về những nơi cung cấp gạo”.
Chính phủ Thái Lan hiện còn 4,32 triệu tấn gạo trong kho dự trữ quốc gia và có kế hoạch giải phóng hết từ nay tới tháng 9, nhân cơ hội nhu cầu đang tăng. Trong số đó có khoảng 2,5 triệu tấn gạo chất lượng kém chỉ sử dụng trong ngành công nghiệp, do vậy sẽ không ảnh hưởng tới giá gạo mới thu hoạch.
Ngày 15/5, Chính phủ Thái Lan mở phiên đấu giá thứ 2 với khối lượng 1,82 triệu tấn trong tổng khối lượng gạo dự trữ (còn đủ chất lượng dùng làm lương thực cho con người) còn lại. Kết quả sẽ được công bố trong tuần đầu tháng 6.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại Thương Thái Lan, nếu bán thành công toàn bộ 1,82 triệu tấn, lượng gạo tồn trữ của Chính phủ nước này sẽ giảm mạnh xuống chỉ còn 2,5 triệu tấn. Trong số đó thì 2 triệu tấn sẽ dùng làm thức ăn chăn nuôi, phần còn lại sẽ sử dụng để sản xuất năng lượng.
Phiên đấu giá tiếp theo (bán 2 triệu tấn gạo) sẽ tiến hành trong tháng 6, và 500.000 tấn còn lại sẽ bán tiếp trong tháng 7.
Từ tháng 5/2014 đến này 24/5/2017, Chính phủ Thái Lan đã bán đấu giá tổng cộng 12,7 triệu tấn gạo, thu được 114 tỷ baht.
Amit Gulrajani, phó giám đốc phụ trách mảng lúa gạo của Olam International – trụ sở ở Singapore – cho biết tiêu thụ gạo, nhất là ở châu Phi, tiếp tục tăng nhanh. Trong khi đó thị trường thương mại gạo toàn cầu năm nay có nhiều rủi ro, có khả năng xảy ra hạn hán và lũ lụt ở châu Á. Sri lanka đã phải tăng nhập khẩu gạo vì lý do này.
“Chúng tôi dự báo thị trường gạo thế giới sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong 6 tháng cuối năm 2017 do tồn trữ gạo toàn cầu giảm, bởi lượng tồn trữ của Thái Lan còn lại không đáng kể”, ông cho biết, và thêm rằng: “Trong những tháng tới, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các chính sách tự cung tự cấp gạo ở các thị trường nhập khẩu chủ chốt, giá dầu cũng như vụ thu hoạch mới ở những nước sản xuất gạo chính”.
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, dự báo sản lượng gạo ở Việt Nam thấp hơn dự kiến sẽ góp phần lớn làm giảm cung gạo trên toàn cầu, trong khi tồn trữ gạo chất lượng tốt của Thái Lan sắp cạn kiệt.
Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên mức 425 USD/tấn (FOB) hiện nay so với 365 USD/tấn chỉ cách đây 2 tuần.
Ông Chookiat dự báo giá gạo Thái Lan sẽ ổn định trong một khoảng thời gian và tổng khối lượng xuất khẩu trong năm nay sẽ đạt 10 triệu tấn.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ USDA), thương mại gạo thế giới sẽ vững ở mức 41,3 triệu tấn trong năm nay và tăng lên 42,3 triệu tấn năm 2018, từ mức 40,6 triệu tấn năm 2016. Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2017/18 sẽ giảm xuống 481,3 triệu tấn do giảm mạnh ở Mỹ, trong khi tiêu thụ sẽ tăng nhẹ lên 480.087 tấn.
Đặc biệt, tiêu thụ gạo tại châu Phi cận Sahara (SSA) tăng nhanh do dân số tăng và người dân chuyển dần từ sử dụng các loại củ truyền thống sang dùng gạo. Hiện gạo đã trở thành lương thực chính của nhiều quốc gia châu Phi, trong khi tiêu thụ tăng nhanh hơn nhiều so với sản lượng khiến nhập khẩu tăng theo. Nhập khẩu gạo của SSA đã tăng gấp đôi kể từ 2001, và dự báo sẽ đạt 12,9 triệu tấn trong năm 2018. Đặc biệt, Bờ Biển Ngà sẽ trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới trong năm 2018 với 1,5 triệu tấn. Mặc dù sản lượng tăng nhanh ở nước này trong những năm gần đây, song tiêu thụ vẫn vượt xa cung, và thị trường này phải phụ thuộc vào nhập khẩu gạo tấm và gạo xay của Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ mới đáp ứng đủ nhu cầu. Các nước Tây và Nam Phi thường nhập khẩu gạo của Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ, trong khi các nước Đông Phi nhập của Pakistan.
USDA dự báo năm 2018 Ấn Độ sẽ xuất khẩu 10 triệu tấn, vững so với năm 2017. Xuất khẩu của Thái Lan dự báo cũng sẽ đạt 10 triệu tấn, còn của Việt Nam sẽ tăng 400.000 tấn so với mức 5,6 triệu tấn của năm 2017 lên 6 triệu tấn năm 2018 do nhu cầu tăng, nhất là từ các thị trường Đông Nam Á như Philippines. Thương mại qua biên giới với Trung Quốc dự báo vẫn chiếm phần lớn lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu của Pakistan dự báo sẽ tăng 100.000 tấn lên 4,1 triệu tấn nhờ sản lượng tăng; của Mỹ sẽ giảm 50.000 tấn xuống 3,5 triệu tấn do sản lượng giảm, của Myanmar sẽ tăng 100.000 tấn lên 1,7 triệu tấn do nhu cầu tăng từ EU và các thị trường trong khu vực; của Campuchia dự báo sẽ tăng 50.000 tấn lên 1,3 triệu tấn nhờ sản lượng tăng và nhu cầu tiếp tục tăng từ các thị trường láng giếng và EU; của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 300.000 tấn lên 800.000 tấn do tăng xuất khẩu gạo vụ cũ sang Tây Phi.
Nguồn: Vân Chi/CafeF/Trí thức trẻ/Bangkok Post