Theo Ban tổ chức, trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt sau khi dịch Covid -19 đã được kiểm soát, người tiêu dùng luôn đặt ra các tiêu chuẩn và yêu cầu về thực phẩm ngày càng cao. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu ngành lương thực, thực phẩm cần liên tục đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và đặc biệt là phải đảm bảo quy trình vận hành theo các yêu cầu và quy định mới về an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Đánh giá về tình hình xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng năm 2022, ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 8,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.
Riêng TPHCM, ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.
Trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành lương thực, thực phẩm của TPHCM tăng 26,9%. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm Thành phố đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Để tránh xảy ra các vấn đề liên quan đến pháp lý đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm, bà Nguyễn Thị Phượng Vỹ, Trưởng Phòng Dịch vụ khách hàng, Công ty TNHH Eurofins Sắc ký Hải Đăng đã hướng dẫn các doanh nghiệp nội dung về các khung quy định luật thực phẩm tại các thị trường trọng điểm như: EU, USA, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc phân tích đánh giá các dư lượng hoạt chất có trong nhóm sản phẩm lương thực, thực phẩm cũng đã nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lưu ý các doanh nghiệp về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Tô Tuấn Huy, Đánh giá viên trưởng, Eurofins Assurance cho rằng, việc hiểu rõ các khái niệm và quy định trong đánh giá các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP, ISO 9001, FSSC 22000, BRCGS food safety phiên bản 9) là việc hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có các biện pháp phòng vệ thương mại để tránh các rủi ro trong gian lận thương mại.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch, qua các thông tin giới thiệu tại hội thảo giúp cho các doanh nghiệp nắm được các thông tin chính xác để đưa các tiêu chuẩn quốc tế vào áp dụng tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư ưu tiên về đổi mới hệ thống quản lý, đào tạo lại đội ngũ, tổ chức lại và quản lý chuỗi sản xuất- tiêu thụ của mình để lấy được các Chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế, kiểm soát tốt chuỗi sản xuất chính là chìa khóa để doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình vào thị trường thế giới.

Nguồn: Lê Thu/https://haiquanonline.com.vn/