Cơ hội cho mặt hàng gạo
Ông Phạm Thế Cường- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết: Ngày 8/2/2023 Indonesia đã có thông báo tiếp tục nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia cho dù nước này đã bước vào vụ lúa chính. Theo Tổng thống Indonesia, lượng gạo dự trữ của quốc gia hiện khá ít - chỉ 600.000 tấn. Trong khi đó, tính đến ngày 17/2/2023 lượng gạo dự trữ phải đạt tối thiểu 1,2 triệu tấn.
Trước tình hình này, Indonesia quyết định tăng lượng dự trữ gạo quốc gia trong năm nay lên 2,4 triệu tấn. Tổng thống Indonesia chưa công bố số lượng gạo dự trữ sẽ phải nhập khẩu nhưng các cơ quan đang cân nhắc và dựa vào tình hình thu hoạch lúa thực tế trong vụ tháng 3 và tháng 4 năm nay.
Bộ Nông nghiệp Indonesia dự báo, hiện tượng El Nino có thể gây hạn hán vào tháng 5 và tháng 7 ảnh hưởng đến diện tích và thu hoạch vụ tháng 7 và tháng 8 của nước này.
Ông Phạm Thế Cường cũng cho biết: Sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ, từ tháng 12/2022- 2/2023, Indonesia đã phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong đợt nhập khẩu này Việt Nam và Thái Lan là 2 nước cung cấp gạo nhiều nhất cho Indonesia. Chỉ tính riêng tháng 1/2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia khoảng 86.000 tấn gạo, giá trị chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Tháng 1/2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Indonesia khoảng 86.000 tấn gạo
Bên cạnh gạo, Indonesia còn là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm Việt Nam khai thác. Với 275 triệu người, Indonesia có dân số đông thứ 4 thế giới, đồng thời là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nhập khẩu lương thực và thực phẩm, đồ uống chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này, tương ứng 16 tỷ USD.
Thực phẩm và đồ uống nhập khẩu của Indonesia tập trung vào nhóm sản phẩm từ sữa, đạt kim ngạch 1,2 tỷ USD, đồ uống có đường 120 triệu USD, bánh kẹo 75 triệu USD, ngũ cốc 541 triệu USD, nhóm rau củ quả chế biến đạt 222 triệu USD.
Theo đánh giá của thương vụ, bên cạnh nhóm hàng hiện đang xuất khẩu, một số nhóm hàng Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang Indonesia như phở, bún, mỳ ăn liền, sủi cảo, há cảo đông lạnh nhân thuỷ sản, thịt bò. Về hoa quả đóng hộp có vải, nhãn, Indonesia không có lợi thế so sánh nhóm hàng này trong khi chưa mở cửa với quả vải và nhãn tươi của Việt Nam. Ngoài ra, còn có sữa và sản phẩm từ sữa, mật ong, cà phê uống liền, nước chanh leo.
Cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại
Để thuận lợi trong xúc tiến quảng bá sản phẩm, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cũng cho hay: Với đa số dân số theo đạo Hồi, Indonesia là thị trường có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm có chứng chỉ Halal lớn nhất thế giới, do vậy doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal của Indonesia. “Chứng nhận Halal luôn là câu hỏi đầu tiên của bất cứ nhà nhập khẩu, phân phối nào của Indonesia khi có sản phẩm thực phẩm, đồ uống muốn tiếp cận thị trường này”, ông Phạm Thế Cường cho biết.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp, trong thời gian tới, thương vụ sẽ tổ chức gian hàng tại một số hội chợ lớn tổ chức ở nước sở tại; thường xuyên tổ chức toạ đàm kết nối giao thương online đến các nhà nhập khẩu lớn của Indonesia. Trong năm 2023, thương vụ cũng sẽ tổ chức phiên tư vấn giới thiệu về quy định Halal của Indonesia để giúp doanh nghiệp xuất khẩu có thêm thông tin về chứng nhận này nói riêng, thị trường Indonesia nói chung.
Bên cạnh việc lưu ý doanh nghiệp trong nước chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang Indonesia, thương vụ cũng khuyến cáo doanh nghiệp chú ý tới các biện pháp phòng vệ thương mại tại quốc gia này.
Đặc biệt, hiện nay Uỷ ban chống bán phá giá Indonesia đang xem xét việc tiến hành khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với nhóm sản phẩm giấy màn nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan.
Kết luận khởi xướng hay không sẽ được quyết định trong vòng 30 ngày kể từ ngày 16/2/2023. Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và thương vụ đang theo dõi sát sự việc.
“Do vụ việc vẫn đang trong quá trình xem xét, doanh nghiệp trong nước cần bám sát thông tin vụ việc thông qua website của Uỷ ban Chống bán phá giá Indonesia, Bộ Công Thương và Thương vụ để được hỗ trợ trong trường hợp có quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá”, ông Phạm Thế Cường thông tin.
Mặt khác, theo Bộ Đầu tư Indonesia, để thúc đẩy hạ nguồn chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị sản phẩm, Indonesia dự kiến cấm xuất khẩu 21 nhóm hàng dưới dạng thô chưa qua chế biến từ nay đến năm 2040. Trước mắt, cấm xuất khẩu bauxit thô từ tháng 6/2023, tiếp đó là mặt hàng đồng và thiếc.
Trong danh mục 21 nhóm hàng dự kiến đưa vào nhóm hàng cấm xuất khẩu có một số nhóm hàng liên quan ảnh hưởng đến Việt Nam trên thị trường, như: than, tôm, thuỷ sản, cua, rong biển, gỗ xẻ… “Ngoại trừ bauxit đã có thông báo chính thức cấm xuất khẩu dưới dạng thô, các sản phẩm còn lại đang được Chính phủ Indonesia xây dựng lộ trình cấm xuất khẩu nên doanh nghiệp cần theo dõi sát sao”, tham tán Phạm Thế Cường nhấn mạnh.

Nguồn: VITIC/Baocongthuong