Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam khi trao đổi với Vinanet về việc Bộ NN&PTNT tái khẳng định giữ nguyên quy định về hàm lượng nước không quá 83% và tỷ lệ mạ băng không quá 10% đối với cá tra trong Nghị định 36.

Doanh nghiệp cá tra trước nguy cơ phá sản

Gần 3 năm kể từ ngày Nghị định 36 quy định về nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra, cá phi lê đông lạnh ra đời nhưng đến nay doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước vẫn loay hoay, chưa tìm được tiếng nói chung.

Nhiều cuộc họp bàn về Nghị định 36 diễn ra gay gắt. Phía doanh nghiệp phản đối vì cho rằng, quy định tỷ lệ mạ băng không quá 10% và hàm lượng nước không quá 83% đội mức giá tăng cao, thị trường tiêu thụ khó chấp nhận. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn, nếu quy định này được thực hiện sẽ một lần nữa đẩy doanh nghiệp vào bước đường cùng.

Tuy nhiên, ngày 6/8, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản tiếp tục khẳng định, Nghị định 36 không thay đổi, tỷ lệ mạ băng dưới 10% và hàm lượng nước không quá 83%, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Văn Ký - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang  (Agifish), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước cho rằng, Nghị định 36 ra đời đúng lúc, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm trong khi thị trường cá tra đã bị thả nổi suốt một thời gian dài.

Tuy nhiên, ông Ký phân tích, xuất khẩu cá tra thời gian qua gặp khó khăn, giảm mạnh về sản lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự biến đổi về tỷ giá trên thế giới khiến nhu cầu mua giảm, thị hiếu của người tiêu dùng tập trung vào phân khúc giá rẻ, chất lượng vừa phải.

 “Doanh nghiệp nào cũng mong muốn làm ra sản phẩm tốt nhưng làm ra phải bán ra được chứ không phải để cất kho. Nếu Nghị định 36 thực hiện sẽ khiến giá thành cá tra xuất khẩu đẩy lên cao, lượng người mua có nguy cơ giảm tiếp”, ông Ký nói.

Đối với EU, kim ngạch xuất khẩu cá tra 6 tháng giảm 18% so với cùng kỳ (Nguồn: Vasep)

Theo ước tính của ông Ký, trong năm 2014, sản lượng cá tra xuất khẩu tỷ lệ mạ băng 10% và hàm lượng nước 83% của Công ty Agifish chỉ chiếm 2-3%. Còn lại, chủ yếu xuất khẩu cá tra có hàm lượng nước từ 85-86%.

“Tình hình tiêu thụ chậm, giá xuất khẩu giảm về mức thấp nhất, doanh nghiệp gần như không có lãi. Nếu toàn bộ cá tra theo hàm lượng nước không quá 83%, giá đội lên cao, không ai mua, xuất khẩu lại càng giảm dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa dài. 

Đặc biệt, 100% cá tra xuất khẩu có tỷ lệ mạ băng 10% thì doanh nghiệp có nguy cơ phá sản”, ông Ký nói.

Cần phải có lộ trình

Theo ông Nguyễn Văn Ký, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì Nghị định 36 được áp dụng song cần một lộ trình. Bởi hiện tại, nếu “ốp” ngay sẽ khiến doanh nghiệp không kịp xoay sở.

 

"Đến thời điểm này Nghị định chưa có bất cứ ảnh hưởng gì đến doanh nghiệp. Chúng tôi đã đề xuất Chính phủ và được thống nhất, về cơ bản chỉ tiêu tỷ lệ mạ băng 10% và hàm lượng nước trong cá tra 83% không có gì thay đổi. Tất nhiên, cơ quan quản lý sẽ tạo ra lộ trình để các doanh nghiệp thực hiện".

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản.

 

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm trên.

Theo ông Thắng, thị trường có nhiều phân khúc nhau, cơ quan quản lý nhà nước phải khảo sát nhằm giúp doanh nghiệp vừa làm vừa thay đổi. Nhà nhập khẩu mua tới đâu, làm tới đó, tránh tình trạng áp dụng cấp tốc, doanh nghiệp không tìm được thị trường nhập khẩu.

Theo đó, thời gian mà ông Thắng cho là phù hợp để doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chuyển đổi tỷ lệ và hàm lượng nước phù hợp là từ nay đến năm 2018.

Trước ý kiến của một số doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ mạ băng sẽ khiến doanh nghiệp phải đẩy giá lên cao, ông Thắng khẳng định: “Doanh nghiệp làm vậy là cố chấp, bảo thủ. Thực tế, tỷ lệ mạ băng trên thế giới chỉ khoảng 5%. Chúng ta phải làm theo thị trường thế giới chứ không phải làm theo một mình doanh nghiệp”.

Ông Thắng cũng thừa nhận, có tình trạng doanh nghiệp cho rằng một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm mạnh trong thời gian vừa qua là do Nghị định 36.

“Như vậy là hoàn toàn không chính xác. Doanh nghiệp phải hướng đến chất lượng sản phẩm tốt thì thị trường xuất khẩu mới ổn định, lâu dài. Nếu doanh nghiệp giữ nguyên tư tưởng kinh doanh sản phẩm chất lượng kém, giá rẻ là đi ngược lại với xu hướng kinh doanh trên thế giới. Và trước sau sẽ thất bại”, ông Thắng khẳng định.

Ngoài lộ trình phù hợp, theo ông Thắng, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tổ chức các hội chợ nhằm quảng bá cá tra chất lượng tốt ra thị trường thế giới.

“Dĩ nhiên, đây là quá trình khó khăn, đòi hỏi doanh nghiệp và nhà nước cần phải bắt tay thực hiện cuộc giải phẫu, làm sao đem lại giá trị thực sự tốt cho sản phẩm cá tra xuất khẩu trên thị trường”, ông Thắng nói.

Kiều Linh