Đêm 6/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến đi dự Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu tại Kazakhstan và thăm chính thức Algeria, Bồ Đào Nha, Bulgaria từ ngày 29/5-6/6/2015.

Kazakhstan là điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công tác lần này.

Tại đây, từ ngày 29-31/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng 5 nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu, gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.

FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu là Hiệp định mang nhiều ý nghĩa cả về chính trị và kinh tế; là FTA thế hệ mới, hiện đại và toàn diện với các linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên; là bước đột phá, có ý nghĩa chiến lược mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu nói chung và với từng nước thành viên nói riêng.

Cùng với các FTA khác, Hiệp định sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Liên minh, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư sang các nước thuộc khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), mà nhiều nước trong số đó đang tiếp tục bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của Liên minh.

Hiệp định bao gồm các chương chính về lĩnh vực: Thương mại hàng hóa, Quy tắc xuất xứ, Phòng vệ thương mại, Thương mại dịch vụ, Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Công nghệ điện tử trong thương mại, Cạnh tranh, Pháp lý và Thể chế…

Về hàng hóa, Liên minh Kinh tế Á-Âu đã dành cho Việt Nam ưu đãi, tạo thêm nhiều cơ hội xuất khẩu quan trọng đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản, như nông sản và hàng công nghiệp (dệt may, da giày, đồ gỗ) và một số sản phẩm chế biến.

Một nội dung quan trọng của Hiệp định này là phía Liên minh sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng thủy sản của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Cùng với việc xóa bỏ thuế quan, hai bên sẽ triển khai tích cực Chương về SPS, trong đó có các nội dung về công nhận tương đương đối với các biện pháp hoặc hệ thống quản lý trong lĩnh vực liên quan; công nhận lẫn nhau về các khái niệm về thích ứng với điều kiện khu vực, sử dụng kết quả kiểm toán, thông tin của các tổ chức quốc tế lớn; thúc đẩy hợp tác, triển khai các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ kỹ thuật và thiết lập cơ chế tham vấn hiệu quả giữa hai bên.
Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho Liên minh một số sản phẩm chăn nuôi, một số mặt hàng công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải... Các mặt hàng này nhìn chung đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, ngược lại góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước.

Riêng đối với các mặt hàng nông sản, tuy được phía Liên minh coi là thuộc diện ưu tiên và đã được Việt Nam đồng ý mở cửa ngay (chẳng hạn như sữa và các sản phẩm sữa, một số sản phẩm ngũ cốc...), nhưng trong bối cảnh hiện nay, do sản xuất nông nghiệp của phía bạn chủ yếu phục vụ nhu cầu nội địa và chưa tập trung cho xuất khẩu nên dự báo trong 5 năm đầu thực thi Hiệp định, ngành Nông nghiệp Việt Nam sẽ không bị tác động rõ rệt do việc nhập khẩu mặt hàng nông sản từ Liên minh.

Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.

Theo đánh giá bước đầu của Liên minh, sau khi Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên sẽ  đạt 10-12 tỷ USD vào năm 2020 (năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD). Theo ước tính của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18-20% hằng năm.

Những nội dung về Sở hữu trí tuệ, Cạnh tranh, Phát triển bền vững... của Hiệp định chủ yếu mang tính hợp tác và không vượt quá những cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, tạo khung khổ để hai bên có thể xem xét hợp tác sâu hơn khi thấy phù hợp.

Có thể nói, Liên minh Kinh tế Á-Âu có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển của một số quốc gia thuộc Liên Xô (cũ) hướng tới một không gian kinh tế thống nhất.

Việc ký kết Hiệp định tiếp tục khẳng định vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trong quan hệ hợp tác toàn diện với các nước thành viên Liên minh. Về mặt kinh tế, mục tiêu chủ yếu của Việt Nam trong đàm phán, ký kết và các cam kết hội nhập nhằm đạt được lợi ích căn bản về kinh tế thông qua việc nâng cao sức cạnh tranh của sản xuất trong nước, tạo cơ hội thúc đẩy thương mại, dịch vụ, đầu tư, đa dạng hoá các thị trường xuất nhập khẩu, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường.

Nguồn: Chinhphu.vn