Đây là thực trạng được đưa ra tại Hội nghị sơ kết  6 tháng đầu năm 2015 của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) diễn ra ngày 25/7 tại Đà Nẵng.

Liên kết sản xuất công nghiệp phụ trợ

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch VAMI cho biết: “Trọng tâm của ngành cơ khí trong thời gian tới là hoàn thành chiến lược nội địa hóa. Với xu thế hội nhập, sắp tới nhiều doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẽ làm việc với VAMI nhằm tìm được đối tác chiến lược cùng với DN trong nước phát triển ngành cơ khí nội địa.”

Theo ông Thụ, hiện nay các DN cơ khí có truyền thống lịch sử nhiều năm với đội ngũ cán bộ công nhân viên có năng lực, trình độ giàu kinh nghiệm vẫn thu hút được nhiều khách hàng đối tác nước ngoài hợp tác nên sản xuất kinh doanh đạt nhiều kết quả tốt.

Chẳng hạn các DN đã đưa ra nhiều dự án vào sản xuất như Khu tổ hợp công nghiệp Thuận Thành (Bắc Ninh) của Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp (MIE). Đổi mới công nghệ, đưa dây chuyền sản xuất kết cấu thép công nghệ Mỹ  và G7 vào chế tạo thiết bị ở tòa nhà cao nhất Hà Nội của Tổng công ty cơ điện xây dựng (Agrimeco).

Tuy nhiên, theo ông Thụ, ngành cơ khí còn rất nhiều khó khăn. Các hợp đồng về lĩnh vực cơ khí thường có giá trị thấp, lại cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong cộng đồng như: Vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ của các tổng công ty chưa tương xứng với quy mô sản xuất kinh doanh; thiếu nguồn ưu đãi hỗ trợ, ảnh hưởng tới việc tham gia đấu thầu các công trình giá trị lớn. Bên cạnh đó, các DN nhỏ vẫn khó khăn trong trong tiếp cận vốn vay, đặc biệt vốn dài hạn để đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng trang thiết bị hiện đại...
Ngành ô tô mong muốn có sự liên kết từ công nghiệp phụ trợ trong nước để giảm giá thành sản phẩm.

Ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng Giám đốc Thaco – Trường Hải chia sẻ: “Trong thời gian tới, Trường Hải xác định chiến lược giảm giá thành để cạnh tranh theo lộ trình giảm thuế, tăng năng xuất lao động, đổi mới công nghệ...”

Để thực hiện mục tiêu đó, ông Tài cho biết Trường Hải sẽ tăng nội lực làm việc gấp ba lần so với hiện tại. Cơ khí là xương sống nội địa hóa, do vậy công ty mong muốn liên kết được với các nhà sản xuất trong nước cung cấp sản phẩm hỗ trợ. Tuy nhiên ông Tài cho rằng cái khó khăn hiện nay của các DN cơ khí trong nước là sự liên kết với Trường Hải sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô. “Nếu sản xuất công nghiệp phụ trọ đáp ứng được yêu cầu thì DN sẽ giảm nhập linh kiện nước ngoài, từ đó giảm giá thành sản phẩm”, Ông Tài nhấn mạnh.

Ưu tiên sử dụng hàng trong nước

Về vấn đề này, ông Thụ kiến nghị các bộ ngành cần xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ hiệu quả, thiết thực; chọn lọc các ngành cơ khí phục vụ ô tô, đóng tàu, máy và thiết bị nông nghiệp với số lượng lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Song song với đó, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ việc sản xuất và khuyến khích tiêu thụ sản phẩm cơ khí trong nước phù hợp cam kết quốc tế. Thực hiện cổ phần hóa và tái cơ cấu DN cơ khí nhà nước. Các Bộ cần chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư trong nước, đầu tư theo hình thức BOT ở các dự án nhà máy nhiệt điện phải thưc hiện tối đa việc giao các DN trong nước thiết kế, chế tạo thiết bị nhiệt điện...

Phát biểu tại hội nghị, Ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng vụ Công nghiệp Nặng (Bộ Công Thương) đánh giá cao sự liên kết giữa các DN mà trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để giảm giá thành. Ngành cơ khí có vai trò cực kì quan trọng đối với kinh tế đất nước. Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam, xây dựng quy hoạch phát triển ngành đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 của nước ta xá định theo hướng lựa chọn các sản phẩm cơ khí trọng điểm: cơ khí chế tạo, đóng tàu, cơ khí giao thông vận tải, cơ khí phục vụ nông nghiệp, cơ khí thiết bị điện, cơ khí thiết bị đồng bộ để sớm định hướng có kế hoạch phù hợp...

“Chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ Công Thương tạo cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh tốt cho ngành cơ khí.", Ông Hoài nhấn mạnh.

Nguyên Hương