Đây là lợi thế lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới, khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước thuộc Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU).
Thủy sản sẽ là ngành có lợi thế nhiều nhất. Mức thuế suất thuế nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam giảm từ 10% xuống còn 0%, trong đó có nhóm hàng thủy sản chế biến.
Việt Nam cũng đã đạt được quy tắc xuất xứ linh hoạt đối với một số sản phẩm thủy sản chế biến, đóng hộp như cá ngừ, tôm... Tuy nhiên, đây lại là nhóm mặt hàng mà Việt Nam còn thiếu nguyên liệu.
Ngoài ra, 5% các dòng thuế còn lại là các mặt hàng thủy sản mà Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó, các mặt hàng nông, lâm sản lại là ngành ít được hưởng lợi. Cụ thể, với mặt hàng gạo, EAEU chỉ cho phép mức hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 10.000 tấn/năm với thuế suất 0% và áp dụng mức thuế suất tối huệ quốc (MFN) ngoài hạn ngạch thay vì 0%. Như vậy, lợi thế cho mặt hàng gạo là không nhiều. Đó là chưa kể, sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm của Việt Nam phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu của các nước thuộc EAEU.
Không chỉ mặt hàng gạo, Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và EAEU cũng không cam kết giảm thuế đối với chè xanh đóng gói dưới 3kg. Càphê, hồ tiêu chỉ áp dụng thuế 0% với nguyên liệu thô từ Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy các mặt hàng chè, hồ tiêu và càphê, những thế mạnh của Việt Nam, muốn xuất khẩu mang lại giá trị cao thì phải chế biến sâu, nhưng các sản phẩm này chỉ được hưởng lợi thuế 0% ở những sản phẩm thô, còn chế biến sâu không được hưởng lợi.
Nguồn: Vietnamplus.vn
http://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-thuy-san-huong-loi-nhat-nho-fta-giua-viet-nam-va-eaeu/414522.vnp