Nguy cơ…
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi nhiều tỉnh, thành phố đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau hơn 2 tuần các DN triển khai hoạt động “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 địa điểm” theo chỉ đạo của TP Hồ Chí Minh, theo Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi, ngoài một số DN nhóm thịt gia cầm, gia súc hầu hết giữ được năng lực sản xuất, các nhóm ngành khác như mì ăn liền, thủy hải sản chế biến, gia vị … đa phần chỉ duy trì sản xuất ở mức 40-70%.
Hiện nay, nhiều DN đang rất lo lắng trước nguy cơ hiện hữu là phải dừng sản xuất, khi, gần đây xuất hiện tình trạng dịch xâm nhập vào một số nhà máy dù đang thực hiện “3 tại chỗ”.
Theo bà Chi, nếu tình trạng này còn tiếp tục lan rộng thì nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu là rất lớn. Điều này sẽ tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội.

Giải pháp ngăn nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa thiết yếu

Nhiều doanh nghiệp lo lắng phải dừng sản xuất, khi gần đây xuất hiện tình trạng dịch xâm nhập vào một số nhà máy, đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”. Ảnh: tapchitaichinh
Trong lúc nhiều DN nhìn nhận, việc thực hiện “3 tại chỗ” chỉ tình thế tạm thời và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần đối với các DN vừa, các DN lớn hơn cũng duy trì tối đa 4-5 tuần. Do DN phải gồng gánh quá nhiều các khoản như chi phí xét nghiệm hàng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân theo quy định “3 tại chỗ”. Ngoài ra, chi phí lương cũng tăng thêm 30-50% do công nhân ở lại nhà máy; chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, chi phí bao bì - vật tư - bột - phụ liệu tăng cao… điều này làm tổng chi phí của DN tăng gấp nhiều lần so với trước, trong khi đó tổng sản lượng giảm hơn 50%.
Dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ việc lưu thông hàng hóa trong gai đoạn nhiều địa phương thực hiện Chỉ thị 16, nhưng hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hoá thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhất là đi liên tỉnh. Điều này đang khiến DN càng gánh thêm khó khăn, nhất là DN vừa và nhỏ. Và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất lương thực, thực phẩm thiết yếu là có thật.
… Kiến nghị
Để ngăn chặn nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, theo bà Lý Kim Chi, FFA đã có kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp như kiến nghị Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh để DN rơi vào tình trạng nợ xấu. Đồng thời xem xét duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm phí trước bạ… nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước.
Trước mắt, để đảm bảo duy trì và không đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cho ngành trong thời gian tới, đề nghị thành phố tính toán và cần sớm xúc tiến việc hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa thành phố với chính quyền các tỉnh có vùng nguyên liệu lớn mà hiện nay đang kiểm soát dịch tốt như Lâm Đồng, Bình Phước, Cà Mau… để không bị đứt gãy nguồn cung trong thời gian tới.

Trong hoàn cảnh nhiều tỉnh, thành phố đồng loạt áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa. Ảnh: VGP
Để việc ngừng sản xuất không xảy ra, FFA đề xuất cho phép DN tìm loại nguyên liệu phụ khác như gia vị, hương liệu, phụ gia... thay thế hoặc điều chỉnh tăng giảm hàm lượng phù hợp mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng, đặc trưng cơ bản của sản phẩm, mà vẫn đảm bảo tính an toàn sức khỏe tiêu dùng.
Đặc biệt là thành lập “Tổ phản ứng nhanh” có sự tham gia của lãnh đạo thành phố, Sở Y tế, Sở Công Thương, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), khi cần có thể phối hợp ngay với Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, UBND quận huyện nơi DN đóng chân để kịp thời sàng lọc, cách lý các diện nguy cơ cao ra khỏi phân xưởng, nhà máy, để có thể đảm bảo tiếp tục duy trì sản xuất của DN….

Nguồn: tieudung.vn/Nhã Vy