Thoả thuận tự do thương mại (FTA) lớn nhất thế giới, có sự tham gia của Trung Quốc và không có Mỹ, sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2022.
Theo tin từ CNBC, thời điểm có hiệu lực của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được xác định như trên, sau khi Australia và New Zealand tuyên bố đã phê chuẩn thoả thuận.
RCEP được ký kết vào năm ngoái giữa 15 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có 10 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 trong số các đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Trong tuyên bố ngày 2/11, Australia nói rằng việc nước này phê chuẩn thoả thuận, cùng với động thái tương tự của New Zealand, mở đường cho thoả thuận chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/12022, cho phép RCEP đạt tới một “cột mốc”. New Zealand xác nhận đã phê chuẩn thoả thuận trong một tuyên bố vào ngày 3/11.
Theo quy định trong thoả thuận, RCEP sẽ có hiệu lực từ thời điểm 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước ngoài ASEAN phê chuẩn thoả thuận.
Đến thời điểm hiện tại, RCEP đã được 6 thành viên ASEAN phê chuẩn, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ngoài Australia và New Zealand, đã có hai quốc gia không thuộc ASEAN khác là Trung Quốc và Nhật Bản phê chuẩn thoả thuận.
RCEP bao trùm một thị trường gồm 2,2 tỷ dân và tổng GDP đạt 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương với 1/3 dân số thế giới và 1/3 nền kinh tế toàn cầu. Với quy mô như vậy, RCEP lớn hơn các khối thương mại khu vực khác, như Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) hay Liên minh châu Âu (EU).
|
Các thoả thuận thương mại ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
|
Giới phân tích nói rằng lợi ích kinh tế của RCEP là khiêm tốn và sẽ phải mất nhiều năm mới được hiện thực hoá. Tuy nhiên, thoả thuận này vẫn được xem là một thắng lợi địa chính trị đối với Trung Quốc trong bối cảnh ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có chiều hướng suy giảm.