Hội nghị đã thu hút nhiều lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, 278 doanh nghiệp (DN), doanh nhân, cơ sở, hộ sản xuất tỉnh Hưng Yên và các tỉnh thành lân cận.
Hiệu quả cao từ kết nối cung cầu
Ông Nguyễn Văn Thơ - Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các cơ quan, DN, cơ sở trong và ngoài tỉnh tổ chức tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu hàng hóa, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, DN, hợp tác xã (HTX), trang trại, nhà vườn và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2017, nhiều sự kiện tiêu biểu được tổ chức như Lễ hội tôn vinh nhãn lồng lần thứ nhất năm 2017, trưng bày và giới thiệu sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được lựa chọn từ 2 địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất của tỉnh là Khoái Châu và TP. Hưng Yên với 30 gian hàng. Tại lễ hội, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố và trao quyết định cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên cho 4 khu vực gồm TP. Hưng Yên, huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ; 9 hợp tác xã và hộ gia đình trồng nhãn.
Bên cạnh đó, Hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tỉnh Hưng Yên năm 2017 cũng được tổ chức, thu hút 300 đại biểu, Sở Công Thương, trung tâm xúc tiến thương mại của 22 tỉnh, thành phố về dự và ký kết biên bản hợp tác. Có 50 gian hàng trực tiếp trưng bày tại hội nghị và 20 biên bản hợp tác kinh doanh giữa DN, cơ sở sản xuất và DN phân phối được ký kết. Ngoài ra, Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên, Hội chợ cam Hưng Yên… cũng là những chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức nhằm kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương. Sau mỗi chương trình, nông sản Hưng Yên lại tìm thêm được đầu mối tiêu thụ ổn định.
Là một trong những DN đã tham gia nhiều chương trình kết nối cung cầu nông sản, trong đó có Hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tỉnh Hưng Yên năm 2017, ông Lê Ngọc Huê - Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu Thái Hưng (đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm trà thảo dược) cho biết, kết nối cung cầu là một trong những hoạt động được Bộ Công Thương và các địa phương triển khai hiệu quả thời gian qua. Thông qua mỗi chương trình, Thái Hưng thường tìm kiếm và ký kết thêm khoảng 5 - 10 bạn hàng mới.
Tiếp tục tìm đầu ra ổn định cho nông sản
Tiếp nối những thành công của hoạt động kết nối cung cầu năm 2017, năm 2018, Sở Công Thương Hưng Yên tiếp tục lên phương án tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản, tập trung vào các hoạt động như Hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn năm 2018. Hội nghị thu hút 55 đơn vị trong tỉnh đăng ký 19 bàn trưng bày sản phẩm; 23 doanh nghiệp tỉnh bạn đăng ký tham gia 19 bàn trưng bày sản phẩm; 23 doanh nghiệp phân phối trong tỉnh và tỉnh bạn; 37 trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mai các tỉnh tham gia 17 gian trưng bày sản phẩm…
Tại đây, nhiều đơn phân phối đã ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các DN, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, từ nay đến cuối năm, tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục tổ chức Lễ hội tôn vinh nhãn lồng Hưng Yên lần thứ hai; Tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên tại Hà Nội; Hội chợ cam Hưng Yên; Hội chợ Xuân năm 2019…
Song song với những hiệu quả đạt được, ông Nguyễn Văn Thơ cũng cho rằng, các chương trình kết nối cung cầu được tổ chức từ trước đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn bởi còn thiếu các DN phân phối lớn tham gia. Chưa kể, tỉnh Hưng Yên còn thiếu các hộ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP nên hiệu quả kết nối chưa cao. Việc chưa khắc phục được tình trạng cá nhân, tự phát khiến nhiều người dân còn tự mở rộng diện tích, chưa áp dụng biện pháp sản xuất an toàn, chất lượng sản phẩm chưa cao.
Do đó, trong thời gian tới, song song với các hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, kết nối cung cầu, ông Nguyễn Văn Thơ cho biết, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố chuẩn bị tốt nguồn cung cấp các sản phẩm đủ về số lượng, tốt về chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà phân phối và nhu cầu của người tiêu dùng. Tăng cường phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh để kiểm tra, kiểm soát các nguồn hàng, tránh sự gian lận, trà trộn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm của tỉnh. Thực hiện tốt kế hoạch dán tem truy suất nguồn gốc hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, song song với tiêu thụ nội địa, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu để đa dạng đầu ra cho các sản phẩm nông sản.
Ông Nguyễn Minh Quang - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định: “Thời gian tới, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh quản lý thị trường để bảo vệ các sản phẩm và DN làm ăn chân chính. Tỉnh cũng cam kết sẽ đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất để DN tiếp cận thị trường tỉnh Hưng Yên từ diện tích sản xuất, giao thương, vận chuyển hàng hóa”.
Là Bộ quản lý có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương tìm đầu ra ổn định, bền vững cho các sản phẩm nông sản, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, hàng năm, Bộ Công Thương có nhiều chương trình kết nối cung cầu lớn tại 3 miền. Tại đây, Bộ Công Thương mời rất nhiều nhà phân phối lớn để kết nối sản xuất trong nước. Tuy nhiên, thực tế ở nhiều địa phương cho thấy, DN ở các tỉnh miền núi, nông thôn chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, chỉ quan tâm nhiều đến việc trồng trọt thay vì tiêu thụ nên để đẩy mạnh kết nối cung cầu hiệu quả, UBND tỉnh khuyến khích hộ nông dân liên kết thành HTX. Hoặc cử ra đại diện thương mại, cùng Sở Công Thương, trung tâm xúc tiến thương mại địa phương trao đổi với thương lái, DN phân phối, xuất nhập khẩu để đàm phán thương mại, tiếp thu yêu cầu của nhà phân phối để sản phẩm tìm được cách tiêu thụ hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, khi đã vào được hệ thống, điều quan trọng là làm sao gia tăng giá trị cho sản phẩm bằng cách đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, tăng tỷ lệ hộ được dán tem vào sản phẩm trên thị trường. “Với các sản phẩm chất lượng, ngoài việc kết nối cung cầu, Bộ Công Thương sẵn sàng giới thiệu các nhà phân phối, nhà nhập khẩu đến làm việc với DN, hộ gia đình để cung cấp thông tin thị trường, đưa hàng Việt Nam vào hệ thống phân phối nước ngoài…” - ông Vũ Bá Phú khẳng định.
Nguồn: Phương Lan/Báo Công thương điện tử