Áp dụng một số chính sách mới về bảo hiểm y tế
Nhiều văn bản có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 cũng có một số quy định liên quan đến bảo hiểm y tế. Cụ thể như:
- Luật Cư trú 2020 thay đổi khái niệm "hộ gia đình tham gia BHYT". Theo đó, hộ gia đình tham gia BHYT là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú (trước đây là toàn bộ những người có tên trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú).
- Nghị định 20 của Chính phủ bổ sung một số trường hợp được cấp thẻ BHYT miễn phí, như: Người đơn thân nghèo đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc con từ 16 đến 22 tuổi nhưng đang ăn học; Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng…
- Thông tư 04 của Bộ Y tế quy định việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất. - Pháp lệnh ưu đãi người có công năm 2020 quy định vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sĩ cũng được hỗ trợ về BHYT (trong khi trước đây không được)…
Nhiều thay đổi về chính sách ưu đãi với người có công
Theo Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi về người có công, có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, thương binh, bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh được Nhà nước hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu, bao gồm nhà xưởng, trường, lớp, trang thiết bị, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, miễn hoặc giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đây là một chế độ hoàn toàn mới.
Pháp lệnh cũng quy định bổ sung mức trợ cấp hàng tháng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng lên mức 4.872.000 đồng/tháng.
Riêng với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá nhưng vẫn nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành hoặc chăm sóc cha, mẹ đẻ của liệt sĩ khi còn sống sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng và được hỗ trợ về bảo hiểm y tế.
Tăng mức trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội
Theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1/7/2021, mức trợ cấp cho các đối tượng hưởng bảo trợ xã hội được điều chỉnh tăng, cụ thể như sau:
- Trẻ mồ côi dưới 04 tuổi; trẻ nhiễm HIV thuộc hộ nghèo được hưởng trợ cấp 900.000 đồng/tháng, thay cho mức 675.000 đồng/tháng;
- Người từ đủ 60 đến đủ 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, thay cho mức 405.000 đồng/tháng;
- Người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp 720.000 đồng/tháng thay cho mức 540.000 đồng/tháng; người khuyết tật nặng được hưởng trợ cấp 540.000 đồng/tháng, thay cho mức 405.000 đồng/tháng…
- Trợ cấp mai táng người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng khác tối thiểu là 18 triệu đồng, trước đây chỉ là 5,4 triệu đồng, với trường hợp gia đình tổ chức mai táng…
- Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở do thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác cho hộ dân phải di dời khẩn cấp tối thiểu là 30 triệu đồng/hộ, trước đây tối đa là 20 triệu đồng/hộ…
Thu hồi CMND cũ khi làm căn cước công dân gắn chip
Theo Thông tư 59/2021/TT-BCA và Thông tư 60/2021/TT-BCA của Bộ Công an về quy trình, thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip, mọi CMND cũ (9 số, 12 số) sẽ được thu hồi khi người dân làm thủ tục đổi sang căn cước công dân gắn chip.
Thời gian tối đa để cấp căn cước công dân cho người dân là 8 ngày làm việc (trong đó có 2 ngày để chuyển dữ liệu điện tử lên Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư; 3 - 4 ngày để Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính xử lý, phê duyệt, in thẻ và 2 ngày chuyển phát về nơi người dân làm thủ tục).
Bên cạnh đó, mã QR trên thẻ Căn cước công dân chứa thông tin về số CMND cũ của người dân. Do đó, người dân không cần phải xin Giấy xác nhận số CMND và cung cấp khi làm các thủ tục, giao dịch sử dụng số CMND cũ như trước đây, trừ trường hợp mã QR không có thông tin về số Chứng minh nhân dân.
Người dân cũng sẽ được làm căn cước công dân ở nơi tạm trú ngày 1/7/2021, thay vì phải về nơi thường trú như trước đây và không còn phải điền thông tin trên Tờ khai căn cước công dân như trước, mà cán bộ làm thủ tục sẽ tìm kiếm thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau đó in phiếu cho người dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên…
Những trường hợp thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú
Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, theo đó khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ đã cấp.
Các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và bị thu hồi sổ bao gồm: đăng ký thường trú; điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú; tách hộ; xóa đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú; gia hạn tạm trú; xóa đăng ký tạm trú).
Những sổ khác, không thuộc trường hợp bị thu hồi thì vẫn sử dụng bình thường. Đến ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú mới chính thức bị xóa bỏ hoàn toàn. Cũng từ ngày 1/7/2021 sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Mọi thông tin về cư trú của người dân sẽ được cập nhật và lưu tại Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Kể từ ngày 1/7/2021, người dân cũng cần lưu ý không thuê nhà, mua nhà ở các địa điểm này, vì không thể làm được thủ tục đăng ký tạm trú, thường trú.
Ngoài ra, Luật cũng quy định thêm nhiều trường hợp bị xóa đăng ký thường trú, điển hình nhất là 2 trường hợp: Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên, mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài; Bán nhà mà không được chủ nhà mới đồng ý cho giữ lại đăng ký thường trú.
Không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng
Có hiệu lực từ ngày 10/07/2021, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ban hành ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong đó, đối với vi phạm quy định về cải tạo, phục hồi môi trường trọng hoạt động khai thác khoáng sản, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP quy định bổ sung mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo công tác thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường về cơ quan phê duyệt phương án và cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định; không báo cáo cơ quan phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường trong trường hợp có sự điều chỉnh phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Đồng thời, Nghị định số 55/2021/NĐ-CP sửa đổi phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng, hoặc thực hiện không đầy đủ một trong các hạng mục công việc phải thực hiện trong phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; không lập lại phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, trừ trường hợp thuộc đối tượng phải lập lại báo đánh giá tác động môi trường.
Quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bảo đảm công khai, minh bạch
Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) ban hành Thông tư 03/2021/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Chương trình).
Thông tư nêu rõ nguyên tắc quản lý Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Việc quản lý Chương trình phải bảo đảm công khai, minh bạch. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khác.
Thông tin về nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình (bao gồm: Tên, mục tiêu, sản phẩm dự kiến, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm, thời gian thực hiện; tóm tắt kết quả thực hiện) được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.
Việc truyền thông về kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Báo chí.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2021.
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).
Thông tư nêu rõ, để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.
Theo Thông tư, cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA được triển khai như sau: Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: (1) Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; (2) Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: (1) Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; (2) Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Thông tư số 02/2021/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 26/7/2021.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 35/2021/TT-BTC quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 quy định tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư nêu rõ về nội dung và mức chi để thực hiện công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng. Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản (các chương trình, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự, bài viết): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Chi tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/7/2021.
Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý tiền thu từ cổ phần hóa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 32/2021/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Thông tư quy định đối tượng mua cổ phần gồm:
1. Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, khoản 3 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP là các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả người lao động và người quản lý doanh nghiệp trong doanh nghiệp cổ phần hóa
2. Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Các đối tượng theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ- CP, khoản 21 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.
4.Tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 33 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Tổ chức công đoàn ủy quyền cho người có thẩm quyền của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc mua cổ phần.
Thông tư 32 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Quy định nhiệm vụ của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ
Có hiệu lực từ 1/7/2021, Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ban hành ngày 25/6/2021 quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Trong đó, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, Nghị định quy định trong thực hiện thỏa thuận giữa Việt Nam và LHQ, Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam là người chỉ huy cao nhất, đại diện của lực lượng Việt Nam tại phái bộ về lĩnh vực hành chính và kỷ luật với LHQ. Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực tham gia do cấp có thẩm quyền của LHQ giao theo thỏa thuận giữa Việt Nam và LHQ; giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong việc tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về nâng cao năng lực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ.
Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ có nhiệm vụ làm việc với chính quyền nước sở tại, tổ chức quốc tế và đối tác khác tại phái bộ khi được phép của cấp có thẩm quyền nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, đa phương và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ của lực lượng Việt Nam; theo dõi, giúp đỡ lực lượng Việt Nam tại phái bộ trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ, Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ có nhiệm vụ giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong việc nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành lực lượng Việt Nam tại phái bộ; điều phối công tác hỗ trợ triển khai, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam khỏi phái bộ; giúp cơ quan điều phối quốc gia về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong chỉ đạo, quản lý, chỉ huy và điều hành về hành chính và kỷ luật đối với lực lượng Việt Nam tại phái bộ và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp
Có hiệu lực từ 1/7/2021, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú, trong đó, có hướng dẫn về giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Nghị định số 62/2021/NĐ-CP quy định công dân khi đăng ký cư trú cần chứng minh chỗ ở hợp pháp bằng một trong các loại giấy tờ, tài liệu sau: Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở); giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong); hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán; giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở...
Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân
Thông tư số 60/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cũng có hiệu lực từ ngày 1/7/2021.
Trong đó, về tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, Thông tư nêu rõ, công dân đến địa điểm làm thủ tục cấp CCCD hoặc thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Trường hợp công dân đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thì cán bộ thực hiện tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD và thực hiện theo quy định.
Trường hợp công dân không đủ điều kiện cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD thì cán bộ thực hiện từ chối tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD và nêu rõ lý do.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định.