Ngày 04/5/2023, Thủ tướng đã có Công điện 365/CĐ-TTg khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Khẩn trương rà soát, xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, Bộ, ngành
Theo đó, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả và kịp thời xử lý công việc, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương, nghiêm túc thực hiện ngay các nội dung sau:
- Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời phát huy trách nhiệm của lãnh đạo Bộ, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, các bộ, ngành và phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần giải quyết kịp thời, dứt điểm nhằm góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành, phục vụ lợi ích của Nhân dân và đất nước.
- Tập trung, khẩn trương rà soát các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành đã được gửi đến các bộ, cơ quan và chịu trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đúng thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ, đặc biệt phải giải quyết ngay những vấn đề tồn đọng, quá thời hạn chưa được xử lý, không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài.
Trường hợp vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, bộ, ngành thì các bộ, cơ quan nhận được kiến nghị, đề xuất phải có văn bản trả lại ngay, nêu rõ lý do và căn cứ của việc không xem xét, giải quyết, không phải thẩm quyền; đồng thời có hướng dẫn phù hợp (nếu cần thiết).
- Đối với kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành cần phải lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan:
- Khi nhận được kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành; các bộ, cơ quan chủ trì phải có ngay văn bản gửi các bộ, cơ quan liên quan để lấy ý kiến, trong đó nêu rõ vấn đề lấy ý kiến, thời hạn trả lời.
Tuyệt đối không lấy ý kiến phối hợp của bộ, cơ quan không liên quan.
Quá trình lấy ý kiến, bộ, cơ quan chủ trì cần chủ động, tích cực phối hợp, đôn đốc, trao đổi trực tiếp để bộ, cơ quan phối hợp có ý kiến trả lời kịp thời, đúng hạn.
Sau khi nhận được ý kiến của bộ, cơ quan phối hợp; bộ, cơ quan chủ trì có trách nhiệm xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời, hướng dẫn ngay, rõ ràng, dứt khoát, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
- Trường hợp quá hạn mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì xử lý theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm c Khoản 1 Công điện 280/CĐ-TTg .
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, bộ, ngành bảo đảm không bỏ sót, chậm trễ trong xử lý công việc.
Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
Không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 280/CĐ-TTg .
- Rà soát các văn bản đề nghị của địa phương đã gửi đến các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương mà chưa được giải quyết; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tích cực, chủ động phối hợp, trao đổi và thường xuyên đôn đốc.
Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan để xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của địa phương theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ.
Xem thêm nội dung tại Công điện
365/CĐ-TTg ngày 04/5/2023.