Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch XK của cả nước đạt 49,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng 4 tháng đầu năm trước. Trong khi đó, NK đạt 51,77 tỷ USD, tăng 16,6%. Dự báo trong thời gian tới, XK có cơ hội thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Để đẩy mạnh XK, Bộ Công Thương đưa ra hai giải pháp quan trọng trong năm 2015 là: Phát triển, khơi thông thị trường XK và tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy XK.
Vụ Chính sách thương mại đa biên, Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, các Vụ Thị trường nước ngoài phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động, tích cực tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do và các thỏa thuận thương mại khác theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho hàng hóa XK Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế làm đầu mối, phối hợp với Vụ Chính sách thương mại đa biên, Cục XNK, các Vụ Thị trường ngoài nước tổ chức các lớp tập huấn để phổ biến nội dung các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết, trong đó làm rõ các lợi thế mà Việt Nam có thể thụ hưởng để đẩy mạnh XK, giảm nhập siêu ở các thị trường có mức nhập siêu cao.
Các Vụ Thị trường ngoài nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, theo dõi thông tin về tình hình thị trường ngoài nước bao gồm:
(1) Thông tin về tình hình thị trường phụ trách đối với mặt hàng XK của Việt Nam gồm: sản lượng, giống, mùa vụ, tồn kho (đối với hàng nông sản), nhu cầu NK, các nước XK cạnh tranh với Việt Nam, thị phần của hàng hóa XK Việt Nam trên thị trường…
(2) Thông tin chính sách thị trường phụ trách gồm: cơ chế, chính sách quản lý NK, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm…
(3) Thông tin động thái từ thị trường phụ trách gồm: những biến động về tình hình cung cầu, sản xuất, sự thay đổi trong chính sách quản lý NK có liên quan đến hàng hóa NK từ Việt Nam, các rào cản kỹ thuật do các nước đưa ra để hạn chế hàng XK Việt Nam, những yếu tố khác có ảnh hưởng đến XK Việt Nam, kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ và thông tin cho các đơn vị liên quan mỗi khi có tình hình mới để chủ động đề xuất và phối hợp thực hiện các giải pháp, biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc thúc đẩy XK.
(4) Thông tin kết nối DN: cung cấp thông tin thường xuyên về các DN NK lớn trên thị trường sở tại và kiêm nhiệm, các thông tin liên quan nhằm hỗ trợ giao thương, kết nối, quảng bá sản phẩm XK của Việt Nam.
(5) Thông tin liên quan đến các đợt đấu thầu, mở thầu của các nước (nếu có), điều kiện dự thầu, các đối thủ tham gia thầu…
Các Vụ thị trường ngoài nước chủ động liên hệ với cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia, vùng lãnh thổ có nhu cầu NK các mặt hàng XK có thế mạnh của nước ta để đề xuất đàm phán, ký kết thỏa thuận thương mại, các thỏa thuận có liên quan hoặc tổ chức giao thương để mở rộng thị trường XK.
Cục Xúc tiến thương mại chủ trì tăng cường công tác XTTM, quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm XK của DN Việt Nam đến các nhà phân phối trong nước, ngoài nước, củng cố, tìm kiếm mở rộng thị trường XK, ưu tiên các đề án XTTM định hướng XK trong Chương trình XTTM quốc gia hàng năm, nhất là các đề án XTTM vào các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường có tiềm năng cho XK của Việt Nam.
Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nghiên cứu các biện pháp đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định hoặc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về Chất lượng sản phẩm, đánh giá sự phù hợp sản phẩm nhằm thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước.
Cục Quản lý Cạnh tranh tiếp tục theo dõi và có cảnh báo sớm nguy cơ hàng XK của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để chủ động đối phó, ngăn chặn; chủ động tham mưu các giải pháp để đàm phán, giải quyết các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng hóa XK của Việt Nam.
Các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc hỗ trợ cho các DN XK tiếp cận các thị trường sở tại và kiêm nhiệm, góp phần đẩy mạnh XK, mở rộng thị trường, chủ động theo dõi sát tình hình; thường xuyên, kịp thời báo cáo Bộ về thông tin, diễn biến tình hình thị trường tại địa bàn phụ trách, sự thay đổi trong chính sách quản lý NK của nước sở tại và kiêm nhiệm có liên quan đến hàng hóa XK của Việt Nam, các rào cản kỹ thuật do các nước đưa ra để hạn chế hàng XK của Việt Nam.
Để tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy XK:
Cục XNK chủ trì cùng các đơn vị thuộc Bộ, các Bộ, ngành liên quan rà soát danh mục mặt hàng và quy trình cấp giấy phép đối với các nhóm hàng hiện đang được quản lý theo hình thức giấy phép theo hướng giảm thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.
Cục XNK chủ trì tổ chức thực hiện theo hướng rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho DN, tổ chức triển khai có hiệu quả việc thí điểm cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua mạng internet.
Cục XNK, Vụ Kế hoạch, các Vụ, Vụ Quản lý sản xuất phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn của các DN sản xuất, XK trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài để đẩy mạnh XK.
Cục XNK phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ NN và PTNT xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản của một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như: thủy sản, gạo, cà phê và một số nông sản khác nhằm duy trì phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân và ổn định giá hàng hóa.
Cục XNK chủ trì, phối hợp với các đơn vị của Bộ Giao thông vận tải xây dựng Chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đề xuất cơ chế, chính sách nâng cao năng lực, hiệu quả cung cấp và phát triển dịch vụ hỗ trợ XK của Việt Nam, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các Bộ ngành, địa phương trong việc rà soát lại hạ tầng giao thông phục vụ hàng hóa XNK, đặc biệt là các đường dẫn, kho bãi, khu tập kết hàng hóa… tại các cảng biển quốc tế và các khu vực cửa khẩu với các nước có chung đường biên giới.
Nguồn: casep.com.vn