Theo Hiệp hội Giấy, hiện nay doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu về giấy, còn lại 55% phải nhập khẩu. Chỉ riêng giấy in báo, tổng số lượng nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm đã tăng 60% so cùng kỳ. Mặc dù, làn sóng đầu tư vào ngành giấy thời gian qua tăng nhanh với nhiều dự án lớn, nhưng tổng sản lượng dự báo của toàn ngành đến năm 2010 chỉ ở mức 2,5 triệu tấn, tăng 1,2 – 1,3 triệu tấn so hiện tại. Do đó, trong vòng 3 – 4 năm tới, lượng tiêu dùng giấy vẫn chủ yếu dựa vào nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, nguồn cung giấy in báo không đủ đáp ứng nhu cầu do sản xuất kém hiệu quả so với các loại giấy khác. Bên cạnh đó, do nhu cầu và lợi nhuận cao hơn nên nhiều nhà sản xuất trên thế giới đã chuyển từ sản xuất giấy in báo sang sản xuất giấy bao bì dẫn tới nhu cầu về giấy in báo càng trở nên khan hiếm. Không những thế, giá giấy Châu Á liên tục tăng cao. Nếu tháng 12/2007 là 580 USD/tấn thì đến tháng 4/2008 đã gần 800 USD/tấn và khả năng giá giấy in báo tiếp tục tăng là điều khó tránh khỏi.
Giấy in, giấy viết cũng đang rất căng thẳng tren thị trường thế giới do bột giấy trong 5 tháng đầu năm tăng rất mạnh. Từ 1/4/2008 giá bột giấy thế giới tăng 5 – 5,4% dẫn đến giá giấy tăng 30-40USD/tấn, giấy vụn cũng tăng 75 – 80%
Hiệp hội Giấy và Bột giấy cho biết, khó khăn không chỉ vì giá giấy tăng mà còn do nguyên liệu sản xuất giấy rất khan hiếm, các doanh nghiệp muốn mua cũng khó. Các nước ASEAN không thể xuất khẩu theo đơn đặt hàng do chính sách hạn chế xuất khẩu và nhu cầu trong nước của họ cũng tăng cao. Nhiều nhà máy bột giấy thế giới đóng cửa do đầu vào tăng cao và hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường, làm cho tình trạng khan hiếm giấy ngày càng trầm trọng. Trong đó, nguồn nhập từ Nhật Bản có sáng sủa hơn nhưng thuế nhập khẩu lại quá cao, tới 25%.
Theo Công ty cổ phần dịch vụ Giấy Việt (Vietpaper) do chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng và mức chênh lệch tỷ giá USD/VND giữa các ngân hàng và thị trường tự do đang ở mức cao nên các doanh nghiệp không thể tiếp tục nhập khẩu dẫn tới nguồn cung giấy giảm xuống.
Theo Hiệp hội Giấy, năm 2007 Việt nam phải nhập 55.716 tấn giấy in báo, nghĩa là sản xuất trong nước chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Riêng quí I/2008 nhập khẩu giấy tăng 60% so cùng kỳ, trong đó nhập khẩu giấy in báo khoảng 21.000 tấn, tăng 2,08 lần so cùng kỳ 2007; nhập khẩu giấy in, giấy viết khoảng 20.000 tấn, giấy làm bao bì công nghiệp 280.000 tấn. Trong 5 tháng đầu năm nhập khẩu khoảng 480.000 tấn giấy, tăng 34% so cùng kỳ.
Cũng vì giá nguyên liệu tăng, nguồn cung khan hiếm, giá giấy sản xuất trong nước thấp hơn giá giấy nhập ngoại khoảng 2 triệu đồng/tấn. Vì vậy, nhiều cơ sở nhỏ, lạc hậu đã phải ngừng sản xuất vì thua lỗ. Hiệp hội Giấy dự báo năm 2008 nhu cầu giấy in báo vào khoảng 180.000 tấn, trong khi năng lực sản xuất trong nước chỉ đáp ứng tối đa 63.000 tấn (khoảng 35%); sản xuất giấy in, giấy viết khoảng 321.600 tấn, đáp ứng 87% nhu cầu. Mặc dù, các nhà máy hầu như đã hoạt động vượt công suất thiết kế nhưng sản xuất không thể tăng hơn được nữa. Vì vậy, giá giấy trong nước sẽ rất khó bình ổn.
Tuy nhiên, theo Tổng công ty Giấy, giá bột giấy tăng mạnh chỉ ảnh hưởng chủ yếu tới các đơn vị sản xuất nhỏ, không tự sản xuất được bột giấy, phải nhập khẩu. Tổng công ty đang chỉ đạo các đơn vị bình ổn giá chống lạm phát, cố gắng kìm giữ không tăng giá để bình ổn thị trường, nhất là giấy in, giấy viết.  Tổng công ty yêu cầu bình ổn giá giấy vở học sinh, sản xuất đủ lượng giấy phục vụ năm học 2008 – 2009

Nguồn: Vinanet